Việt Nam hướng tới hình thành 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. |
Ngày 8/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đề xuất Dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự án dự kiến sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Đề án rất quan trọng và cấp bách
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao rất quan trọng và cấp bách, cần cơ chế đặc thù cho dự án. Do đó, cơ quan này dự kiến đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng dự án vay vốn Ngân hàng thế giới (World Bank) theo cơ chế đặc thù. Ngân sách trung ương cấp phát 100% nguồn vốn ODA (không áp dụng cơ chế cho vay lại).
Dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư dự án hơn 470 triệu USD (tương đương gần 11.800 tỷ đồng). Trong đó, vay World Bank khoảng 360 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng); vốn đối ứng trong nước hơn 112 triệu USD. Với gần 1 triệu ha lúa, mỗi suất đầu tư dao động 325-794 USD một ha.
Chuyên gia cao cấp của World Bank Li Guo cho biết sẽ trình dự án lên lãnh đạo trên nền tảng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), nhưng mở rộng hơn.
"Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tiên phong về giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ để thực hiện các bước tiếp theo", chuyên gia World Bank nói.
Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Đề án nhằm phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam và thu nhập của nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế.
Đến năm 2025, có 12 tỉnh thành trong vùng sẽ trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp...
Hiện, mỗi năm miền Tây sản xuất 24-25 triệu tấn lúa, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Giải quyết vấn đề cấp bách, đón đầu cơ hội trong tương lai
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: CK. |
Ông Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, cho biết, quan điểm của WB là giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt nhưng đón đầu cơ hội trong tương lai.
Trước đây, khi thực hiện dự án VnSAT, vấn đề giảm phát thải đã được đề cập mặc dù chưa nhiều. Đến đề án 1 triệu ha lúa đã đặt thành một trong những mục tiêu chính. Điều này chứng tỏ Việt Nam đi trước thế giới, là quốc gia đầu tiên làm dự án này, có cơ hội đón những nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, bởi vấn đề giảm phát thải đang được quan tâm, ông Bình nhìn nhận.
Ông cũng khẳng định, WB mong muốn Việt Nam sẽ tiên phong về giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Do đó, WB sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để thực hiện các bước tiếp theo trong đề án này.
Với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ rõ, cần 237 triệu USD đầu tư vào hệ thống công trình thủy lợi nội đồng phục vụ tưới ngập khô xen kẽ; các công trình giao thông kết nối các khu sản xuất lúa cần 190 triệu USD; hệ thống logistics cho chuỗi giá trị lúa gạo cần 9 triệu USD; cần 68 triệu USD cho cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và các hạng mục khác.
Theo Bộ NN-PTNT, việc hình thành 1 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đặc biệt, các biện pháp canh tác bền vững sẽ góp phần giảm thải carbon trước những thách thức về biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
Từ năm 2024 bắt đầu triển khai trên diện tích 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - tính toán, với diện tích 1 triệu ha theo đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm.
Như vậy, ngành lúa có thêm 16.000 tỷ đồng/năm, tương đương 500 triệu USD. Đó là chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.
Điều đáng nói, nông dân không chỉ thu được gạo mà còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.