Bộ Công thương cho rằng việc cấm xuất khẩu gạo để buộc bán dự trữ là không nên
Phân biệt gạo để xuất khẩu sẽ là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng
Trong báo cáo của Bộ Công thương trình Chính phủ ngày 20/4 về các ý kiến và đề xuất của Bộ Tài chính liên quan đến phương án điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn. Bộ Công Thương đưa ra một số lý giải cụ thể vì sao “không tiếp thu" ý kiến của Bộ Tài chính.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết họ đã 2 lần góp ý với Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được Bộ Công Thương “tiếp thu”.
Theo Bộ Công thương, trong cả hai lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là "chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia".
Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".
Riêng phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch mà Bộ Tài chính cho rằng "ý kiến này của Bộ Tài chính đã không được Bộ Công Thương tiếp thu".
Báo cáo của Bộ Công thương trình Chính phủ nhấn mạnh, trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của Đoàn kiểm tra và Bộ Công thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các "bất cập" của phương thức FCFS trong điều hành hạn ngạch.
"Ý kiến này của Bộ Tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 10/4/2020 tại văn bản số 4355/BTC-QLG, khi mà phương thức FCFS đã được đề xuất công khai trước đó 13 ngày và Thủ tướng Chính phủ, sau khi cân nhắc tất cả các ý kiến tham gia, đã có văn bản chỉ đạo về phương thức điều hành xuất khẩu gạo", Bộ Công thương trích dẫn.
Bộ Công Thương cho rằng, việc cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.
“Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn”, Bộ Công Thương nêu rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng.
Cũng theo Bộ này, đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).
Bởi xuất phát từ đây, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu.
Ngoài ra Bộ Công Thương lo ngại "chi phí tăng thêm về thời gian và tiền bạc là rất lớn và bất hợp lý trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo để chung tay cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực".
FCGFS nếu được phối hợp, công khai, minh bạch sẽ tốt hơn đấu thầu hạn ngạch
Giải thích thêm về phương thức FCGFS, Bộ Công thương cho hay trước khi đề xuất phương thức FCFS, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thận trọng tham khảo ý kiến Tổng cục Hải quan về tính khả thi của đề xuất.
Và trong suốt hai tuần sau khi báo cáo và phương án điều hành của Đoàn kiểm tra được công bố, Bộ Công thương không nhận được ý kiến nào khác của cả Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.
Bộ Công thương cho rằng, phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ....sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản ký ngày 10/4, của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương vẫn một lần nữa gửi dự thảo quyết định của Bộ Công thương về áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo tới Tổng cục Hải quan để xin ý kiến. Và trong góp ý của mình, "Tổng cục Hải quan không đề cập tới các "bất cập" của phương thức điều hành FCFS", báo cáo nêu rõ.
Bộ Công thương cho rằng, phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.
Các doanh nghiệp đã có hàng tại cảng chắc chắn sẽ ở vị thế ưu tiên số 1 bởi họ đều đã rõ tên tàu và số hiệu container và chỉ có họ mới có thể hiện thực hóa tờ khai mà không cần phải thay đổi các thông tin này.
Thế nhưng, việc triển khai cơ chế FCFS trên thực tế đã để xảy ra một số sự việc mà theo nhận xét của các doanh nghiệp là thiếu phối hợp, thiếu công khai, thiếu minh bạch, gây thêm khó khăn dẫn đến những bức xúc không đáng có.
Và theo Bộ Công thương, điều này không phải do lỗi tự thân của cơ chế FCFS.
"Nếu nó được triển khai một cách có phối hợp, công khai, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì dù vẫn có điểm yếu như tất cả các phương thức điều hành khác, nhưng vẫn tốt hơn so với các cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất, trong đó có đấu thầu hạn ngạch", Bộ Công thương khẳng định.
Bộ Công Thương cho rằng, đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào Ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền là việc không nên làm.
Thêm vào đó, đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15-20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo".
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây.
Việc phân bổ hạn ngạch cũng không khả thi bởi kinh nghiệm điều hành cho thấy sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho "công bằng" và xin ý kiến các bên liên quan để thống nhất thực thi. Nếu có ý kiến khác nhau phải trình lại Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Tiến trình này không chỉ trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo" mà còn thiết lập trở lại cơ chế xin - cho rất nhiều rủi ro đạo đức đã được xóa bỏ theo kiến nghị kiên trì nhiều năm của cộng đồng doanh nghiệp.
Về việc dự trữ gạo quốc gia, theo báo cáo, việc điều hành xuất khẩu gạo được thực hiện theo tham vấn của các bộ ngành và đã tính cả lượng dành cho dự trữ quốc gia. Bộ Công Thương vẫn đề xuất và được các Bộ, ngành đồng ý về việc để lại thêm 300 nghìn tấn từ số lượng xuất khẩu để giúp Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch mua dự trữ lương thực năm 2020. Nếu vẫn không mua được thì Bộ Tài chính cần có sự đánh giá lại để làm rõ hơn vì sao lại không thể thực hiện được chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Minh Kiệt