Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa (mùa khô và mùa mưa), ở đây tồn tại bảy hệ sinh thái rừng chính và năm hệ sinh thái rừng phụ, từ rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, rừng thứ sinh phục hồi trên đất mất rừng đến rừng trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh… Tổng số loài thực vật đã phát hiện và ghi nhận tại VQG Chư Mom Ray là 1.895 loài, thuộc 541 chi, 184 họ.
Trong đó ngành dương xỉ 178 loài, thực vật hạt trần 11 loài, thực vật hạt kín 1.302 loài và có 131 loài thuộc diện quý hiếm, như: kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai, gụ mật… Tổng số loài động vật đến nay đã điều tra và ghi nhận được 950 loài, với 120 loài động vật có vú, 290 loài chim, 42 loài bò sát, 25 loài lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 365 loài côn trùng. Trong đó có 176 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Vườn Quốc giaChư Mom Ray có tổng diện tích là 56.249,2 ha, thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
VQG Chư Mom Ray là diện tích bảo tồn các hệ sinh thái rừng, nơi phân bố, cư trú và môi trường sống của các loài động vật rừng. Rừng tự nhiên Vườn quốc gia Chư Mom Ray gồm các loại: rừng gỗ, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, rừng tre nứa và có một phần diện tích rừng bán thường xanh. Các loại rừng này phân bố đan xen, hình thành nhiều quần xã thực vật khác nhau, là môi trường sống và cung cấp nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật rừng hoang dã. Diện tích đất không có rừng là 3.544,64 ha (chiếm 6,3%), gồm: Đất trống không có cây tái sinh là các trảng cỏ nằm rải rác trong rừng tự nhiên; đất trống có cây tái sinh là các khu đất có cây gỗ lớn phân bố rải rác. Tuy không có rừng, nhưng các khu vực này là bãi kiếm ăn của nhiều loài thú ăn cỏ, nhóm thú móng guốc như bò tót, bò rừng, nai, heo rừng… và là nơi cư trú của gà rừng cùng một số loài thú nhỏ.
Đáng chú ý là ở đây có đồng cỏ Ya Book rộng 16.772 ha, vào loại lớn nhất Việt Nam; là sinh cảnh sống của nhiều loài thú móng guốc và thú ăn thịt, như: Mang Trường Sơn, trâu rừng, bò rừng, bò tót, sói đỏ, beo lửa, gấu ngựa, hổ Đông Dương… và hàng trăm loài bò sát, lưỡng cư. Trên những đỉnh núi cao như đỉnh Ngọc Vil (1.480 m), đỉnh Chư Đô (1.145 m), đỉnh Ngọc Tơ Ba (1.030 m) và đỉnh Chư Mom Ray (1.773 m) là nơi sinh sống của các loài linh trưởng và chim. Ở đây còn hiện hữu ba loài voọc vá chân nâu, chân xám và chân đen; các loài chim hồng hoàng, công, trĩ sao, gà tiền mặt đỏ... là những loài đặc hữu đẹp ở Chư Mom Ray.
VQG Chư Mom Ray còn nhiều loài động, thực vật quý hiếm (nhất là các loài gỗ lớn), nên công tác bảo tồn cũng gặp nhiều thách thức.
Trong thời gian qua, có nhiều đối tượng coi thường pháp luật, chống đối, hù doạ lực lượng bảo vệ rừng ngày càng tăng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý công tác của lực lượng bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông qua vùng lõi VQG (Quốc lộ14C; đường tuần tra biên giới; tỉnh lộ 674, 675) có nhiều phương tiện lưu thông nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Mặt khác, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, lượng mưa thấp hơn mức trung bình cùng kỳ nhiều năm, nắng nóng gay gắt kéo dài, đã ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị.
Nhằm khắc phục những vấn đề này, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý VQG Chư Mom Ray cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, đơn vị luôn tăng cường công tác giám sát địa bàn, tuần tra nhằm bảo vệ rừng tận gốc.
Ngoài ra, Vườn cũng tăng cường công tác kiểm tra các vùng trọng điểm cháy rừng, đặc biệt chú trọng tại các khu vực tập trung nhiều tre nứa, lau lách. Vào mùa khô, vườn bố trí canh phòng ở những vùng trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.
Bên cạnh công tác bảo vệ rừng, ông Thủy cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên có cơ chế chủ động trong các hoạt động của mình, nhất là các hoạt động nghiên cứu, phát triển khu du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm cho bà con để bớt đi sự phụ thuộc vào rừng.
Những năm qua, Ban quản lý VQG Chư Mom Ray đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng thông qua các hoạt động nghiệp vụ, như: Truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; tuần tra kiểm soát, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng các công trình lâm nghiệp hỗ trợ... Nhờ đó, độ che phủ rừng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray năm 1996 là 86,4% và đến nay tăng lên 93,7%.
Khánh Hòa