Giữ đà tăng
Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn 8 năm qua do các thương nhân đua nhau đẩy giá lúa thu mua tận ruộng lên cao, để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong khu vực. Ngoài ra, mưa lớn đang cản trở thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đẩy giá gạo lên cao.
Hiện gạo tấm 5% của Việt Nam RI-VNBKN5-P1 đã tăng lên 475 USD/tấn, tức nhỉnh hơn mốc 11.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm 2012, tăng từ 450- 460 USD/tấn so với tuần trước đó.
Xuất khẩu gạo tăng cả lượng và giá trị.
Như vậy, giá gạo Việt Nam từ đầu tháng 4 tới nay đã liên tục tăng. Vào cuối tháng 3, giá gạo chuẩn 5% tấm của Việt Nam RI-VNBKN5-P1 dao động trong khoảng từ 355-360 USD/tấn. Sang đầu tháng 4, giá tăng lên mức 450-460 USD/tấn, và giữ tới cuối tuần rồi.
Giá liên tục tăng, nhưng các thương nhân đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ gạo để thực hiện các hợp đồng kí với người mua ở Malaysia và Cuba. Các thương nhân khác cho biết mưa lớn kèm giông mạnh đang làm chậm thu hoạch vụ lúa hè - thu ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Cơ hội cho xuất khẩu gạo
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 5, Việt Nam bán được gần 526.000 tấn, vượt hẳn sản lượng tháng trước. Giá gạo trung bình một lần nữa phá kỉ lục mới. Mỗi kg gạo rời cảng được định giá khoảng 12.300 đồng/kg.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến từ ổn định đến tăng nhẹ trong tháng 5 vừa qua.
Cụ thể, giống lúa IR50404 đã tăng lên mức 5.900 đồng/kg ở nhiều địa phương. Đặc biệt, lúa OM 5451 có nơi ghi nhận được đỉnh giá 7.000 đồng/kg.
Philipppines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, với 40,5% thị phần. Nước này nhập gạo tăng 11,4% về khối lượng và tăng 26% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Gạo Việt Nam có cơ hội xuất khẩu mạnh sang Philippines
Đáng chú ý, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ, nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm hàng năm vào quý III.
Nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nhằm đạt được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu gạo Philippines.
Bên cạnh đó, Bangladesh đang gặp tai ương nên cũng đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra, để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Ngoài ra theo nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện 95% mục tiêu tự túc lương thực (gạo, bắp, lúa mì) nhưng vẫn cho phép nhập khẩu một lượng nhất định thông qua hệ thống hạn ngạch phi thuế quan. Hệ thống này cho phép các thương nhân trong nước nhập khẩu với mức thuế suất chỉ còn 1% so với mức ngoài hạn ngạch 65%.
Việt Nam đặt mục tiêu vận chuyển 7 triệu tấn gạo đi phục vụ hàng triệu bữa ăn trên thế giới trong năm 2020, cao hơn số liệu năm 2019.
Minh Anh