Trời nắng nóng, nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày? Uống nước lá vối thế nào cho đúng? 6 món ngon từ sầu riêng giải nhiệt mùa hè |
Uống nhiều nước lạnh vào ngày nóng
Nước lạnh có thể giúp cơ thể hấp thu và điều hòa nhiệt độ, tuy nhiên vẫn có một số hạn chế. Theo nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia PGS-TS Nguyễn Thị Lâm cho hay, đồ uống có nhiệt độ thấp quá mức cho phép có thể sẽ khiến các vi mạch trong ruột và dạ dày co thắt dẫn đến chức năng tiêu hóa bị suy giảm.
Bên cạnh đó, thói quen uống ngay nước đá khi vừa đi nắng về cũng cần được cân nhắc. Tuy sẽ khiến chúng ta cảm thấy mát mẻ đôi chút, nhưng việc này sẽ làm nhiệt độ trong cơ thể thay đổi đột ngột, từ đó có thể gây nên sốc nhiệt.
Những triệu chứng thường thấy của tình trạng này là chóng mặt, buồn nôn. Vì thế, tốt nhất hãy uống nước ở nhiệt độ thường vào ngày hè. Nếu muốn dùng nước lạnh thì hãy dùng lúc cơ thể khỏe mạnh, ổn định và nước mát vừa phải.
Uống quá nhiều nước trong một lúc
Chúng ta thường truyền tay nhau rằng phải uống nhiều nước trong ngày để cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn. Điều này không thật sự hoàn toàn đúng. Vì khi ta bổ sung nước cho cơ thể quá mức cho phép có thể dẫn đến hạ natri máu, hay còn được gọi là ngộ độc nước.
Ngộ độc nước có các dấu hiệu thường thấy là đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, tăng huyết áp, buồn ngủ, yếu cơ, chuột rút, mất cảm giác, dạ dày khó chịu, chướng bụng. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến rối loạn thần kinh, phù não, hôn mê, thậm chí gây tử vong. Bên cạnh đó, việc dung nạp quá nhiều nước cũng làm thận phải hoạt động nhiều hơn, gây quá tải cho bộ phận này.
Theo lời bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, hiện đang công tác tại Bệnh viện Quân Y 110, lượng nước uống chuẩn mỗi ngày có thể được tính theo công thức, ít nhất 0,4 lít nước cho mỗi 10kg cân nặng. Ví dụ, nếu cân nặng của bạn là 50kg thì mỗi ngày cần uống 2 lít nước, còn cân nặng là 60kg thì cần uống 2,4 lít nước mỗi ngày.
Lạm dụng nước dừa để giải nhiệt
Theo y học cổ truyền, nước dừa mang tính âm, vị ngọt ấm, không độc. Vào những ngày hè nóng bức, uống nước dừa mát lạnh không chỉ giúp bù nước, giải khát, giải nhiệt mà còn giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc,... Cho nên có rất nhiều người ưa thích thức uống này và uống liên tục.
Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết, những thức uống có tính mát như nước dừa thì không nên ăn, uống nhiều khi vừa đi nắng về vì có thể gây sốc nhiệt. Việc lạm dụng quá nhiều nước dừa để giải khát có thể gây giảm huyết áp nhanh, mềm yếu gân cơ.
Uống quá nhiều nước dừa, đặc biệt đối với những người tập luyện thể thao sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn và làm giảm hiệu quả tập luyện, nếu kết hợp cùng thời tiết quá nắng nóng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cho nên tốt nhất chỉ nên uống 3-4 quả dừa mỗi tuần.
Dùng bia, rượu lạnh để giải nhiệt
Bia hay rượu lạnh là thức uống thường được chọn cho các buổi nhâm nhi cùng bạn bè những ngày hè nóng bức. Thức uống này giúp giải nhiệt và được coi là “thuốc lợi tiểu” vì làm tăng lượng nước tiểu.
Tuy nhiên, theo Heather Mangieri, hiện là Phát ngôn viên của Viện dinh dưỡng và Chế độ ăn của Mỹ cho hay, bia hay rượu làm tăng lượng nước tiểu có thể dẫn đến nguy cơ cơ thể bị mất nước. Bên cạnh đó, uống nhiều bia rượu còn tăng cao nguy cơ mắc ung thư gan.