Cua biển ở Cà Mau chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Cà Mau" cho sản phẩm cua Vì sao cua gạch Cà Mau tăng sốc dự báo sẽ tăng lên hơn 1 triệu đồng/kg? |
Cà Mau có trên 250.000 ha nuôi cua, sản lượng hơn 25.000 tấn/năm, mang về nguồn thu trên 10.000 tỉ đồng. |
Dịch bệnh làm cua chết kéo dài chưa có thuốc đặc trị
Ngày 16.4, tin từ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 12.000 ha cua nuôi bị chết, tập trung ở 3 huyện Năm Căn (6.400 ha), Đầm Dơi (4.824 ha) và Ngọc Hiển (800 ha). Cua nuôi bị chết kéo dài khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu đã thực hiện đề tài nghiên cứu bệnh trên cua để tìm nguyên nhân cua chết trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Kết quả bước đầu tìm thấy tác nhân gây bệnh trên cua nổi bật nhất là ký sinh trùng giáp xác chân tơ trong xoang thân cua.
Ông Đoàn Văn Hùng - một nông dân nuôi cua ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn - cho biết cua bị ốm rất ít thịt, một số con còn lại dù chưa chết nhưng bị yếu, khi bắt lên khỏi mặt nước khoảng 15 - 30 phút thì chết.
Theo ông Hùng, tình trạng này giống hệt như đầu năm 2021, nhưng chưa có thuốc đặc trị, người nuôi cua rất lo lắng.
Người dân Cà Mau lo lắng khi cua chết nhiều từ đầu năm 2023 đến nay. |
Theo người dân nuôi cua ở Cà Mau, đa phần diện tích cua chết ở những nơi có biên độ nước triều cao, người dân có thói quen nuôi tôm, cua theo hình thức xả ra, lấy nước vào vuông một tháng 2 lần.
Trước mắt, để hạn chế thiệt hại, Sở NN-PTNT Cà Mau đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân nuôi cua một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi phát hiện cua có dấu hiệu mắc bệnh hoặc chết thì báo ngay cho lực lượng khuyến nông, thú y để kịp thời phối hợp xử lý; thu hoạch cua khi phát hiện cua mắc bệnh hoặc chết để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Đặc biệt, khi phát hiện cua nuôi bị chết nên thu gom xác cua chôn, xử lý bằng vôi hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh, đồng thời cắt vụ nuôi, không thả thêm con giống, tiến hành cải tạo vuông nuôi để tránh tình trạng dịch bệnh lặp đi lặp lại kéo dài.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, thường xuyên cấp thêm nước để duy trì và ổn định các yếu tố môi trường. Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, phòng bệnh tổng hợp trong quản lý, chăm sóc cua, tôm nuôi. Cần bổ sung thêm khoáng chất cần thiết để tăng cường đề kháng cho thủy sản nuôi.
Cua bị bệnh thường bò lên bờ hoặc chết nổi trên mặt nước. |
Khẩn trương khắc phục tình trạng cua chết
Tại H.Năm Căn, cua chết cũng ảnh hưởng đến tôm nuôi trong vuông. Theo ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm khuyến nông H.Năm Căn, thông tin cua nuôi trên địa bàn huyện bị chết diễn ra từ cuối tháng 2 cho tới nay. Tình trạng cua chết diễn ra ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhiều hộ có cua bị chết, thiệt hại khoảng 20 - 30%, cá biệt có nhiều hộ thiệt hại khoảng 60 - 70%.
Ông Lễ giải thích: "Khảo sát tình trạng cua nuôi của bà con bị chết, các ngành chuyên môn, đánh giá thì đây cũng là một trong những biểu hiện lặp lại của 2 năm trước. Nguyên nhân cua chết là do ký sinh trùng. Hiện chưa có giải pháp nào, cũng như chưa có loại thuốc đặc trị mầm bệnh này. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến người nuôi cua các biện pháp tạm thời, để hạn chế tình trạng cua nuôi bị chết".
Trước tình trạng cua nuôi bị chết có chiều hướng tăng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo khẩn về việc tăng cường hướng dẫn, khắc phục tình trạng cua chết trên địa bàn.
Cụ thể, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố và các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng, chống bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua nuôi; hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Tỉnh Cà Mau khẩn trương chỉ đạo khắc phục tình trạng cua chết. |
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học có chuyên môn sâu về vấn đề này để xác định nguyên nhân và có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững; đồng thời chỉ đạo cán bộ thú y, khuyến nông cơ sở bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, quy trình phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi cho người dân...
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý; phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua nuôi để hạn chế thiệt hại; kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo trong trường hợp bệnh dịch diễn biến phức tạp, không để lây lan trên diện rộng.
Cà Mau có trên 250.000 ha nuôi cua, sản lượng hơn 25.000 tấn/năm, mang về nguồn thu trên 10.000 tỉ đồng. Cua được xếp vào mặt hàng chủ lực của tỉnh và chỉ đứng sau con tôm. Hiện tượng cua chết trên diện rộng sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng của loài thủy sản thế mạnh đặc trưng của Cà Mau./.