Sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam Thủ tướng: Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch phải bứt phá với tư duy đổi mới Ngành du lịch kỳ vọng đón 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 |
Khách quốc tế bất ngờ với cảnh sắc Tràng An trong dịp Tết. Ảnh Vietnamnet |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới.
Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm.
Sự khác biệt trong sản phẩm – chìa khoá hút khách quốc tế
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á cho rằng, mục tiêu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025 là một thách thức lớn, tuy nhiên, với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam hiện nay, mục tiêu này hoàn toàn khả thi.
Chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định trải nghiệm của du khách, đặc biệt khi Việt Nam đặt mục tiêu thu hút thêm 25 - 30% khách quốc tế. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, “đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam cần được đào tạo bài bản hơn, từ kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp đến năng lực chuyên môn, để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”.
Đồng quan điểm, TS Trịnh Lê Anh, Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặt vấn đề lâu nay mọi người vẫn cho rằng điểm quan trọng số 1 của thương hiệu du lịch phải là tài nguyên và hình ảnh điểm đến.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng giờ đây chúng ta cần thay đổi quan niệm này. Chúng ta không nên cứ nhấn mạnh tài nguyên và hình ảnh điểm đến là số 1 nữa mà thay vào đó, câu chuyện về sự cam kết của Chính phủ và thái độ hiếu khách của người dân trên thực tế, tức là hành vi thực tế được cam kết bởi Chính phủ và người dân sở tại là yếu tố quan trọng nhất.
“Yếu tố trải nghiệm thực tế của du khách cùng với tài nguyên và hình ảnh điểm đến mới tạo nên thương hiệu du lịch bền vững trong thời đại mới", TS. Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.
Ông Trần Đức, chuyên gia du lịch bền vững tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Du lịch xanh là lợi thế lớn của Việt Nam, đặc biệt khi khách quốc tế ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa. Du lịch xanh không còn là xu hướng mà đã trở thành nhu cầu tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao. Việt Nam, với tài nguyên thiên nhiên phong phú từ vịnh Hạ Long, rừng quốc gia Cát Tiên đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với bảo tồn. Các địa phương như Quảng Ninh, Lâm Đồng đã tiên phong trong việc triển khai du lịch sinh thái, kết hợp với chương trình bảo vệ môi trường như hạn chế rác thải nhựa, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo tại các cơ sở lưu trú”.
Ông Đức dẫn chứng một ví dụ tiêu biểu là Khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo, nơi áp dụng các sáng kiến xanh từ thiết kế bền vững đến chương trình tái tạo hệ sinh thái biển, đã thu hút lượng lớn khách quốc tế có ý thức môi trường. Hay khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng), không chỉ thu hút khách tham quan mà còn tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường, thu hút nhóm khách yêu thích du lịch sinh thái. Các tua khám phá thiên nhiên tại Cát Bà cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách châu Âu và Mỹ.
Du lịch đêm không chỉ gia tăng trải nghiệm của du khách mà còn mở ra cơ hội lớn để các địa phương tăng doanh thu. Tại Hà Nội, chương trình tham quan đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã trở thành điểm nhấn văn hóa, kết hợp giữa công nghệ trình chiếu ánh sáng và câu chuyện lịch sử, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển tuyến phố đi bộ, chợ đêm Bến Thành và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố.
Mục tiêu có thể khả thi
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu. |
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu nhận định ngành du lịch đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Lượng khách nội địa và quốc tế tăng cao ở nhiều điểm đến, trong khi giá cả dịch vụ du lịch ổn định và các điều kiện như an ninh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được đảm bảo.
“Để đạt được mục tiêu 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 25 - 30% trong năm tới. Đây là một thách thức lớn, nhưng với các chiến lược phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh quảng bá, mục tiêu này có thể khả thi”, ông Trần Đức nhận định.
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các yếu tố ngoại cảnh như biến động kinh tế toàn cầu, tình hình dịch bệnh và cạnh tranh từ các điểm đến khác trong khu vực có thể ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu. Do đó, ngành du lịch cần linh hoạt và chủ động trong việc điều chỉnh chiến lược để thích ứng với những thay đổi này”, ông Đức nói thêm.
Để đạt được mục tiêu trong năm tới, thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam hơn nữa, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trước mắt cần tập trung khai thác tốt chính sách thị thực mới mà Chính phủ đã ban hành; tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.
Muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp, việc triển khai chính sách chậm và khó sẽ khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó thu hút được khách vào.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ phát huy những hiệu quả đang có, lan toả và xây dựng kế hoạch chinh phục mục tiêu mới trong năm 2025.
"Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân." - ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.