Thông tin từ tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đầu tuần qua, ngành quản lý văn hóa của 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã có buổi thảo luận về việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới.
Tại cuộc họp, ngành văn hóa của các địa phương này đưa ra dự kiến lộ trình, thời gian xây dựng hồ sơ. Theo đó, trong năm 2020 cần hoàn thành tóm tắt hồ sơ và đưa vào danh sách dự kiến đề cử di sản lên UNESCO.
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới
Đồng thời, trong thời gian sớm nhất có thể, thực hiện các công việc chuyên môn liên quan để hoàn thiện hồ sơ di sản, bảo vệ trước Hội đồng Di sản Quốc gia, sau đó trình lên Thủ tướng Chính phủ để xin phép nộp hồ sơ lên UNESCO.
Theo lộ trình này, trong các năm 2021 và 2022, bản hồ sơ hoàn thiện bằng tiếng Anh của quần thể danh thắng Yên Tử cần được gửi tới trụ sở UNESCO tại Paris, đồng thời Việt Nam cũng cần đón các chuyên gia ICOMOS/IUCN (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế, thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế của UNESCO) sang thẩm định di sản và có ý kiến cụ thể.
Sau giai đoạn thẩm định này, hồ sơ sẽ được giải trình, bổ sung, phản biện... để có thể thực hiện bảo vệ hồ sơ tại kỳ họp của hội đồng Di sản Thế giới của UNESCO vào đầu năm 2023.
Việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới đã được Quảng Ninh chủ động phối hợp tỉnh Bắc Giang khởi động từ năm 2012. Gần nhất, lộ trình này được bổ sung thêm sự tham gia của Hải Dương (một trong ba địa phương thuộc khu vực phân bố của quần thể danh thắng Yên Tử) để lập hồ sơ, trong đó UBND tỉnh Quảng Ninh được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với 2 địa phương còn lại.
Như vậy, trong trường hợp thành công, quần thể danh thắng Yên Tử sẽ là Di sản Thế giới đầu tiên của Việt Nam phân bổ trên 3 địa phương khác nhau.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần (1225-1400) và thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam.
Các di tích này nằm trên địa phận 03 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh, bao gồm 5 khu vực: Khu di tích và danh thắng Đông Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (nằm trên các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang), Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng triển khai việc phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh lập hồ sơ di tích - danh thắng Yên Tử đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới và được kỳ vọng có thể là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Núi Yên Tử xưa có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (Núi Voi), Bạch Vân Sơn (Núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn (Núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng), An Tử… Trên đỉnh núi ngày nay vẫn còn lưu dấu tích kiến tạo vỏ trái đất cách đây 10 triệu năm với bãi đá ngổn ngang thiên hình vạn trạng. Trong lòng núi có mỏ than lớn. Sóng núi điệp trùng, rừng đại ngàn che phủ, muôn dải núi đều chầu về Yên Tử, cây mọc chênh vênh trên vách đá, thấp thoáng tháp chùa cổ kính rêu phong, thác đổ, suối reo…, đẹp như những bức tranh thủy mặc.
Rừng Yên Tử lưu giữ nhiều nguồn gien động vật và thực vật: Trong 206 loài động vật có xương sống, có hơn 20 loài quý hiếm ghi danh trong Sách đỏ Việt Nam như: Sóc bay lớn, voọc mũi hếch, ếch ang, ếch gai, thằn lằn cá sấu…; trong số 830 loài thực vật, có 38 loài đặc hữu quý hiếm như: Táu mật, lim xanh, lát hoa, thông tre, la hán rừng, vù hương, kim giao... Những hàng tùng, cây đại, vườn cây người xưa trồng đã hơn bảy trăm năm. Rừng trúc bạt ngàn, vạt mai vàng, khóm cúc hoa nở rộ... Cảnh sắc thiên nhiên thay đổi bốn mùa.
Từ xưa, Yên Tử được coi là Cõi Tiên, Cõi Phật - nơi con người tu thành Tiên, thành Phật. Tục truyền: Hơn hai ngàn năm trước, thầy Yên Kỳ Sinh về núi này tu Tiên, hái lượm cây thuốc, luyện thần dược trường sinh bất lão và chữa bệnh cứu người, khi mất đã hóa thành tượng đá, tên gọi “thầy Yên” là “Yên Tử”.
Non Thiêng Yên Tử chính là nơi dung dưỡng tinh thần, giúp con người hướng thiện, trở về bản tâm chân thật của chính mình. Gần một nghìn năm qua, đây là nơi tu hành, thành đạo của của các bậc anh hào hiền lương mà cuộc đời, sự nghiệp đã trở thành bất tử, từ Tổ Hiện Quang thời Lý (trước năm 1220) đến các Tổ: Đạo Viên, Đại Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, Tam Tổ Trúc Lâm… thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), từ Tổ Chân Nguyên thời Lê (thế kỷ XVII) đến Ni sư Đàm Thái thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XX).
Yên Tử là nơi vua Trần hiển Phật. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) làm vua ở tuổi 20. Sau khi tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, hai lần (1285 và 1288) đánh thắng giặc Nguyên Mông - đội quân hùng mạnh nhất thời ấy, Ngài thực hiện thành công các cuộc hòa giải, xây dựng đất nước Đại Việt thịnh vượng. Từ bỏ ngôi vua ở tuổi 35, Ngài về hành cung Vũ Lâm rồi lên Yên Tử tu khổ hạnh. Từ chức vị cao sang của nhà vua, vua Trần trở về ngôi tôn quý của Nhà Phật. Ngài mất ở am Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử. Ngôi tháp Huệ Quang trước chùa Hoa Yên thờ xá lợi của Ngài.
Yên Tử là “phúc địa” (đất phúc), “linh địa” (đất thiêng), nơi hội tụ khí thiêng sông núi, được ghi vào điển thờ. Yên Tử lưu giữ những giá trị cao quý về lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Đây là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa; một dòng Thiền nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc.
Nếu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới quần thể danh thắng Yên Tử sẽ là Di sản Thế giới đầu tiên của Việt Nam phân bổ trên 3 địa phương khác nhau
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chỉ ra rằng: Phật ở ngay trong Tâm mình, không phải ở đâu trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Đức Phật chỉ là Người Thầy Dẫn Đường, không phải là thánh thần ban phước, giáng họa. Nếu để cho Tâm mình an định, sáng suốt, buông mọi vọng niệm, tham-sân-si... để sống với bản tâm an nhiên thanh tịnh thì trí sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, khổ đau chấm dứt, sẽ giác ngộ thành Phật. Phật chính là mình, không phải cầu tìm ở bên ngoài. Với quan điểm ấy, Thiền phái Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người. Thiền phái Trúc Lâm là nền tảng tư tưởng và đạo đức của một giai đoạn hoàng kim thời Trần ở Việt Nam.
Vào thời kỳ Thiền phái Trúc Lâm phát triển ở đỉnh cao, Yên Tử bao gồm cả một vùng rộng lớn với những công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu: Long Động, Hoa Yên, Vân Tiêu (Uông Bí ngày nay), Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngọa Vân (Đông Triều), Thanh Mai, Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) và những công trình khác ở vùng rừng núi phía Tây Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày nay.
Dấu tích lịch sử văn hóa hiện tồn ở Yên Tử là hàng trăm ngôi tháp thờ xá lợi thiền sư; hàng chục nền móng chùa, am thời Trần - Lê dưới những ngôi chùa được trùng tu, phục dựng; hàng nghìn di vật cổ: Tượng, chuông, bia đá, ngói, gạch, sứ, sành… với những họa tiết, hoa văn, kiến trúc độc đáo, lưu lại dấu ấn vàng son của một thời đã qua.
Yên Tử là căn cứ địa cách mạng, nơi bộ đội luyện quân, nơi ghi dấu chiến công trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của Việt Nam ở thế kỷ XX.
Hàng năm, Yên Tử mở Hội Xuân, đón khách hành hương lễ Phật, du sơn thắng cảnh suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi năm, hàng triệu du khách về Yên Tử. Họ đến từ các địa phương trong nước, từ nhiều quốc gia trên thế giới với đủ độ tuổi, giới tính, sắc tộc và cương vị xã hội.
Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử, chưa đành lòng tu.
Hạ Vy