Hình ảnh những vựa thanh long trĩu trái đã giúp đời sống bà con xã Vân Trục mỗi ngày một khởi sắc.
Về xã Vân Trục, huyện Lập Thạch (Vĩnh phúc) vào một buổi chiều những ngày giữa tháng 6, dưới cái nắng oi bức của mùa hè hiện lên trước mắt chúng tôi là hình ảnh một dải màu xanh xen lẫn những chấm hồng hồng, đỏ đỏ bao phủ khắp những khu đồi vườn khiến bất kỳ ai ngang qua cũng muốn dừng lại hít hà, chiêm ngưỡng. Đó chính là những khu vườn cây thanh long ruột đỏ nức tiếng xa, gần suốt hơn 10 năm qua của huyện Lập Thạch, nhất là Vân Trục – một trong những cái nôi đầu tiên của giống cây này.
Có mặt tại UBND xã Vân Trục lúc 14h chiều, trong cái bắt tay nồng ấm của ông Vũ Đình Thọ - Chủ tịch UBND xã, nhấp một chén trà ông tâm sự “Vân Trục xưa kia khó khăn, vất vả lắm, thu nhập của bà con chủ yếu từ nông nghiệp trong khi toàn đất đồi núi thấp lại chiếm phần đa nên khó canh tác... Tuy nhiên, từ khi triển khai thí điểm vài hộ trồng giống cây thanh long những năm 2005, nhận thấy phù hợp, cây phát triển tốt lại cho giá trị kinh tế cao nên xã không ngừng khuyến khích bà con phát triển mở rộng diện tích. Nhờ đó, đời sống của bà con không ngừng được nâng cao, diện mạo xã thêm nhiều khởi sắc...
Năm 2013 Hội liên hiệp thanh long của huyện được thành lập đã thu hút đông dảo các hội viên tham gia với 45 hội viên nhằm học hỏi, chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên do lúc đó các hội viên trồng còn manh mún nên tới nay số các hội viên chỉ còn lại 25 hội viên. Hiện xã đang phấn đấu hết năm 2020 sẽ phát triển thêm 200ha diện tích đất trồng thanh long ruột đỏ theo mô hình khép kín và có khoảng từ 70 – 100% tổng số diện tích đó sẽ đạt tiêu chuẩn Vietgap, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm anh Thọ cho biết thêm.
Theo dấu chân anh Thọ chúng tôi tìm về thôn Tam Phú (Vân Trục), nơi bạt ngàn những đồi, vườn Thanh long trĩu quả đang chờ thu hoạch... ngước nhìn những trái thanh long căng mọng đỏ hồng, Ông Nguyễn Đình Long – CT Hội Liên hiệp Thanh long huyện Lập Thạch tươi cười nói: Cũng may nhờ giống cây này mà bà con thôn Tam Phú nói riêng, và xã Vân Trục nói chung mới khá giả, mua sắm tiện nghi, có của ăn của để..
Hình ảnh vườn thanh long nhà ông Nguyễn Đình Long – Chủ tịch Hội liên hiệp thanh long huyện Lập Thạch đang đua nhau lên những trái mới.
Cũng theo ông Long, nếu cây thanh long được chăm sóc tốt, đảm bảo đúng tiêu chuẩn thì hàng năm sẽ cho khoảng 20 tấn/1ha/năm với giá trung bình là 25.000đ/kg, có lúc 30.000đ/kg. Hơn nữa cách chăm sóc cây thanh long ruột đỏ này cũng dễ.
Hiện gia đình ông đang có 7ha diện tích đất trồng cây thanh long ruột đỏ, canh tác ổn định theo mô hình tưới nước nhỏ giọt mỗi năm cho thu hoạch hơn 100 tấn và thu về trên dưới 3 tỷ đồng mỗi năm. Nếu trừ đi chi phí chăm sóc mỗi năm gia đình ông cũng vẫn để ra được 200-300 triệu đồng.
Mặc dù thanh long ruột đỏ dễ chăm, tuy nhiên do trồng chủ yếu ở vùng đồi núi nên vấn đề điện nước hơi khó khăn. Bởi đặc điểm của loại cây này là chỉ nở hoa vào ban đêm, mà muốn cây thanh long phát lộc ra hoa thì phải cung cấp cho cây đủ lượng ánh sáng do đó người dân phải thắp điện từ 12 – 18 đêm trước khi cây cho hoa để kích thích mầm hoa.
Ngoài ra, riêng thời kỳ đơm hoa, nền nhiệt độ thích hợp nhất để thanh long cho hoa là từ 20-28oc, thời điểm này nếu gặp mưa thì phải hoa phải được bọc kín cẩn thận thì mới đảm bảo được năng suất ông Long chia sẻ.
Đứng bên những vựa thanh long trĩu quả căng mọng đỏ hồng nghe ông Long chia sẻ về những đặc tính, cách chăm sóc cây thanh long thế nào cho đảm bảo, chúng tôi thật không muốn rời bước khỏi nơi đây. Tuy nhiên cuộc gặp nào rồi cũng phải chia tay dù ta không hề muốn.
Hi vọng với những nỗ lực cố gắng, sự cần cù sáng tạo của người dân nơi đây cùng với sự quan tâm của chính quyền, lãnh đạo Ban, ngành các cấp những đề xuất, dự tính của bà con cho mô hình phát triển kinh tế từ giống cây này sẽ mau chóng thành hiện thực.
Vân Hà