Những vùng đất trũng trồng lúa được chuyển sang trồng sen giúp nông dân tăng thu nhập gấp 5 lần. |
Lãi trăm triệu nhờ bỏ lúa trồng sen
Anh Phạm Kiệt, ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên trồng sen nhiều năm nay cho biết, trước đây, gia đình trồng gần 2 mẫu lúa nhưng thu nhập thấp. Vụ sen này, anh Kiệt trồng hơn 1 hecta, trừ chi phí, còn lãi hơn 100 triệu đồng. Sen từ khi trồng đến khi thu hoạch mất 6 tháng, không mất công chăm sóc, thu nhập lại tăng gấp 5 đến 6 lần so với làm lúa.
Khu vực trồng sen của anh là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan và chụp ảnh. Để tăng thêm nguồn thu, gia đình anh Kiệt mở quán nước, bán cà phê bên đầm sen, nấu các món ăn phục vụ khách; xây dựng nhiều chòi men theo lối đi xung quanh các đầm sen để khách du lịch vừa ngắm sen vừa có chỗ để nghỉ ngơi.
Anh Phạm Kiệt cho biết, trồng sen tăng gấp 5 lần so với trồng cây lúa. |
“Chuyển qua trồng sen, tôi thấy hiệu quả hơn cây lúa, nhiều bà con cũng học theo trồng cây sen. Cánh đồng sen đẹp nên khách du lịch tới tham quan rất đông. Mình mở ra lều, quán cho khách tới chụp hình, dừng chân uống nước, kiếm thu nhập thêm. Mình bán nước, cà phê, khách có nhu cầu đặt các món ăn như: cơm, gà mì quảng và bún bán cũng được. Giờ trồng sen gia đình khá hơn. Mong muốn chính quyền quan tâm giúp đỡ hướng dẫn làm du lịch”, anh Kiệt phấn khởi.
Đầm sen Trà Lý, xã Duy Sơn có diện tích gần 40 hecta. Mùa sen kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8. Đầm sen Trà Lý hình thành hơn 30 năm nay và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân địa phương với các sản phẩm từ sen. Địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao từ sen nên nông dân yên tâm sản xuất. Thu hoạch hạt sen xong, sơ chế tại chỗ, rồi bán ra thị trường, giả cả cũng ổn định.
Người dân Duy Sơn vào mùa thu hoạch sen. |
“Trồng sen hiệu quả so với cây lúa gấp 5 lần. Chúng tôi vận động bà con chuyển đổi một số cây trồng trên đất nông nghiệp không hiệu quả sang trồng sen để đảm bảo thu nhập kinh tế. Làm cây sen nhẹ công hơn cây lúa, sau khi làm đất, cấy móng xuống và bón phân đến ngày thu hoạch. Mong muốn nhà nước hỗ trợ cho nhân dân giống, thị trường đầu ra ổn định cho bà con”, ông Đinh Chín, trưởng thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên cho hay.
Sản phẩm du lịch mới tại vùng sen lớn nhất Quảng Nam
Đồng sen Trà Lý là một trong những đầm sen lớn nhất tỉnh Quảng Nam với diện tích gần 40ha. Các cánh đồng sen trải dài suốt hai bên đường, xen vào đó là vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của một xã miền núi huyện Duy Xuyên.
Đồng sen Trà Lý còn là nơi tạo sinh kế cho người dân địa phương bao đời nay. Từ vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, người dân đã cho phát triển nhiều mô hình du lịch sinh thái để phục vụ du khách tham quan.
Đầm sen mênh mông vẫn mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ. |
Chị Đinh Thị Kim Anh (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là người có nhiều năm mưu sinh với nghề trồng sen. Nhận thấy nơi đây có tiềm năng du lịch chị đã cho xây lên một quán nước cùng với nhiều mô hình du lịch mới mẻ. "Vợ chồng tôi đầu tư xây dựng những cái chòi men theo lối đi xung quanh các đầm sen để du khách có thể vừa ngắm sen vừa có chỗ để nghỉ ngơi, thư giãn", chị Anh nói.
Những đầm sen toả hương thơm ngát mùa này hấp dẫn du khách tìm đến. Tại huyện Duy Xuyên, có hàng trăm hộ dân trồng sen trên diện tích hơn 100 hecta. Hạt sen chưa qua sơ chế có giá từ 45.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, hạt sen khô từ 170.000 đến 200.000 đồng, có thời điểm 350.000 đồng/kg.
Nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan đầm sen Trà Lý. |
“Những khu vực ruộng ven đồi núi sản xuất cây lúa không cho năng suất cao, chuyển qua trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế và năng suất tốt hơn. Hiệu quả cây sen tăng lên đáng kể. UBND huyện cũng khuyến khích tạo điều kiện giúp người dân sản xuất phát huy giá trị cây sen. Bên cạnh đó, kết hợp một số điểm du lịch cộng đồng tạo thu nhập cho người dân. Mùa sen này số lượng khách du lịch đến rất đông”, ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết./.