Với nhiều loại hoa của các cây trồng đem lại nguồn “thức ăn” phong phú cho ong, Đắk Nông được đánh giá là vùng đất có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong mật xuất khẩu. Theo thống kê, toàn tỉnh mỗi năm sản xuất ra khoảng 272.000 lít mật ong thương phẩm. Thời gian qua, giá mật ong tăng cao và ổn định nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã bắt đầu chú tâm đầu tư phát triển đàn ong, xem đây như một trong những nghề mang lại thu nhập chủ lực cho gia đình.
Trên địa bàn huyện Chư Jút, tỉnh đến nay đã có gần 60 hộ làm nghề nuôi ong lấy mật với gần 2.000 thùng ong, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Dong, Đắk D’rông, Ea Pô… Theo các hộ nuôi ong thì năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng đạt khá cao. Với giá bình quân trên, dưới 100.000 đồng/kg mật nên nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập không thua kém các nghề chăn nuôi khác.
Phát triển ngành nuôi ong mật nhìn chung vẫn còn bộc lộ một số bất cập.
Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới, thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ với báo chí biết: “Hiện nay tiềm năng phát triển nghề nuôi ong mật hàng hóa tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng là rất lớn. Tính riêng tiềm năng của tỉnh Đắk Nông, về sản lượng mật, từ 31.000 ha cao su nếu khai thác hết sẽ cho khoảng 300 tấn mật; 120.000 ha cà phê cũng cho trên 300 tấn mật mỗi năm. Bên cạnh đó, các loại cây như: Điều, cây lâm nghiệp, cây ăn quả… cũng mang lại sản lượng mật khá lớn.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành nuôi ong mật nhìn chung ở các huyện trên địa bàn Đắk Nông vẫn còn bộc lộ một số bất cập, thiếu tính bền vững, nhất là thiếu nguồn ong giống tốt. Phần lớn hiện nay, ong chúa giống đang được người dân sản xuất tự phát, không được chọn lọc nên có biểu hiện thoái hóa cao, dễ nhiễm bệnh, nhiễm các loại ve ký sinh cao…”.
Không chỉ có người huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông, người dân biển Bình Minh (Kim Sơn - Ninh Bình) đã tận dụng hàng chục km chạy dài ven biển, cứ vào mùa hè là hoa Sú vẹt sẽ nở bạt ngàn như thảm cỏ, người dân địa phương nuôi ong để lấy mật tự nhiên.
Anh Đạt – chủ sở hữu của hơn 300 thùng nuôi ong ở đây chia sẻ, mỗi năm chỉ có khoảng 2 tháng để thu hoạch. Bởi vì Sú vẹt chỉ ra hoa đồng loạt vào giữa tháng 6 đến tháng 8. Trước thời gian này, nông dân sẽ kiếm ong chúa khỏe mạnh để xây tổ.
Mỗi thùng thường có 7 - 8 khay, sau 20 ngày sẽ thu hoạch khoảng hơn chục kg mật.
"Chúng tôi lấy giống từ miền Nam về, bởi vì sẽ không bị ảnh hưởng do phun thuốc trừ sâu. Khi về khu vực này nhân giống sẽ cho ra bầy ong khỏe mạnh", chủ trại nuôi ong nói.
Cũng theo chia sẻ của chủ trại nuôi ong, mỗi thùng thường có 7 - 8 khay, sau 20 ngày sẽ thu hoạch khoảng hơn chục kg mật.
"Cứ mỗi lần đến ngày quay mật, chúng tôi phải bắt đầu từ 5h sáng cho mát. Sản phẩm ra đến đâu thì sẽ có người mua đến mua hết ngay tại chỗ mà không cần phải tích trữ", anh Đạt chia sẻ.
Đối với loại mật ong hoa sú vẹt, Đây là loại mật duy nhất được khai thác từ loại cây mọc ngoài biển. Với vùng biển mênh mông rộng lớn, chắc chắn mật ong hoa Sú vẹt không bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
Nếm mật ong hoa Sú vẹt chúng ta sẽ thấy vị thơm đặc trưng của mật, đầu lưỡi hơi tê và vị có vị hơi chua thanh. Đây chính là điểm nhấn và điểm khác biệt rõ rệt nhất đối với các loại mật ong khác.
Theo kinh nghiệm, đặc tính sống nửa nước nửa cạn tạo ra loại hoa đặc biệt. Vì vậy, từ xưa người người ta đã sử dụng mật ong hoa sú vẹt để chữa bệnh, ngâm chanh hay sử dụng hàng ngày là tốt nhất vì trong lượng mật ong được khai thác tại vùng biển chứa lượng muối khoáng nhỏ rất tốt cho sức khỏe của con người.
Nguyễn Tuệ