Theo số liệu thống kê, các địa phương thuộc Vùng KTTĐ phía nam có diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng trong tổng diện tích đất từ 46% trở lên, trong đó, TP Hồ Chí Minh có tỷ trọng đất nông nghiệp thấp nhất, chỉ hơn 34%. Điều này cho thấy, nông nghiệp vẫn có vai trò quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương thuộc Vùng KTTĐ phía nam để phát triển kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp thông minh góp phần đẩy ạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, việc ứng dụng nông nghiệp thông minh vào thực tế sản xuất được nhiều địa phương thuộc Vùng KTTĐ phía nam rất quan tâm. Hiệu quả ứng dụng NNTM thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) ngày càng thu hút sự chú ý của nông dân và doanh nghiệp.
Để nông nghiệp ở Vùng KTTĐ phía nam phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức sản xuất và kỹ thuật hiện đại, cần chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng vùng thành một trung tâm giống quốc gia với các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đầu mối tiếp nhận, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh và đặc trưng của vùng.
Với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 60% tổng diện tích đất của Vùng KTTĐ phía nam, chỉ cần chuyển được 1% trong số 1.843.000 ha sang sản xuất theo CNC thì sẽ có 18.430 ha đất sản xuất NNTM với năng suất và sản lượng, hiệu quả rất cao. Đối tượng chuyển sang ứng dụng nông nghiệp CNC là các DN vừa và nhỏ, các hợp tác xã sẽ góp phần rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu chuyển 1 ha đất nông nghiệp sang ứng dụng CNC theo hướng NNTM thì năng suất tăng gấp nhiều lần so với cách canh tác truyền thống. Muốn vậy, các địa phương Vùng KTTĐ phía nam cần có các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn lực, hình thành lực lượng DN công nghệ phục vụ NNTM; xây dựng hệ sinh thái công nghệ - nông nghiệp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng chuỗi trồng trọt - chăn nuôi - phân phối sản phẩm ngành chăn nuôi bò sữa và bò thịt.
Cùng với đó, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc là những biện pháp cơ bản, có tác dụng lâu dài trong thực tế sản xuất, rất cần được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện.
Các ứng dụng công nghệ có liên quan NNTM ở Vùng KTTĐ phía Nam nhìn chung mới chỉ ở bước đầu triển khai, cần phải phổ biến rộng rãi
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, tuy tỷ trọng đất nông nghiệp thấp nhưng thành phố là địa phương đi đầu triển khai, nhân rộng và chuyển giao các mô hình nông nghiệp thông minh cho nông dân, doanh nghiệp ứng dụng. Ngành nông nghiệp thành phố đã xác định rõ phương hướng: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực...”.
Điều này đã tạo ra động lực và sức thu hút, lan tỏa lớn đến cả Vùng KTTĐ phía nam nói riêng và cả phía nam nói chung để cùng thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thành phố hằng năm thu hút nguồn lực lớn về tài chính, nhân lực nông nghiệp, nhất là ở lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Qua đó, xây dựng nông nghiệp thành phố trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật, CNC, công nghệ sinh học, nơi ươm mầm và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao cho cả nước.
Mai Quỳnh