Hương Canh là một trong 22 làng nghề truyền thống được công nhận ở Vĩnh Phúc. Đây là làng gốm cổ sành có tuổi đời hơn 300 năm và nổi tiếng với những sản phẩm như: Chum, vại, tiểu, nồi niêu, ấm chén…
Trong dân gian có câu: “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”, bởi gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ bền hương vị của những thứ đựng bên trong.
Gốm Hương Canh một thời thịnh vượng
Làng gốm Hương Canh - huyện Bình Xuyên là làng gốm sành cổ đã nổi danh từ lâu đời, có lịch sử hơn 300 năm
Tương truyền vào thời xưa, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Xuân Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy dân làm nghề gốm sành. Cuộc sống đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc, lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm. Gốm Hương Canh nổi tiếng với những sản phẩm như chum vại, nồi niêu, ấm chén... có độ bền cao, nhằm phục vụ những nhu cầu dân dã thiết yếu.
Điểm đặc biệt của gốm Hương Canh là được làm từ đất sét xanh, đặc trưng thổ nhưỡng của địa phương. Đây là chất liệu chính để làm ra sản phẩm. Đất sét xanh Hương Canh thường được lấy từ các khu đồng chiêm trũng. Ưu điểm của loại đất này là độ mịn, độ dẻo và độ béo rất cao nên sản phẩm trông giống như đã được tráng men. Điểm tạo nên sự đặc biệt của gốm Hương Canh không chỉ ở chất lượng gốm mà còn ở màu sắc, âm thanh: do cấu tạo của chất đất xanh, nên gốm sành Hương Canh khi nung già gõ thường phát ra tiếng kêu lanh canh, giống như khi ta chạm vào kim loại.
Không lộng lẫy, cầu kỳ với những màu men khác lạ như những dòng gốm khác, gốm Hương Canh đẹp ở sự mộc mạc và giản dị. Toát lên ở mỗi tác phẩm là vẻ đẹp của hồn quê và tâm huyết người nghệ nhân. Bên cạnh đó, nó còn giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, vừa gân guốc, vừa khỏe khoắn, tạo nên nét rất riêng biệt hấp dẫn so với các làng quê làm gốm khác.
Đặc biệt, các sản phẩm gốm, sành Hương Canh thời xưa thường không sử dụng men tráng, không dùng chất tạo màu mà sản phẩm vẫn bắt mắt. Do quá trình hỏa biến, màu sắc của gốm Hương Canh rất đặc trưng và phong phú. Điểm nhấn vẫn là mầu đỏ và nâu, còn sành thì có màu xanh đen.
Thời buổi khắc khoải giữ lửa nghề
Đã có thương hiệu hơn 300 năm nay, nhưng phải đến những năm 1950-1970 khi xuất hiện hợp tác xã gốm thì làng nghề gốm Hương Canh mới thực sự lớn mạnh. Và tưởng chừng như gốm Hương Canh (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc), sẽ đem đến cho những người làm nghề cuộc sống ấm no, sung túc, tiếng tăm làng nghề ngày càng lẫy lừng. Nào ai biết, người yêu nghề gốm, nay, chỉ khắc khoải với nỗi lo giữ nghề?
Bỏ qua thời kỳ huy hoàng, làng gốm Hương Canh hôm nay đứng trước nhiều khó khăn
Nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, sản phẩm gốm Hương Canh đã từng được xuất khẩu sang tận Mỹ và Hàn Quốc…, được tặng bằng khen “Hình ảnh APEC và di sản văn hoá Việt Nam” năm 2006. Nhưng nay làng nghề đang dần bị “teo” lại và có nguy cơ bị mai một. Những người còn sót lại với nghề, cố gắng níu giữ nghề, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống của họ cùng với làng nghề truyền thống đang lay lắt như ngọn đèn trước gió…
Trước đây, nguồn nguyên liệu làm gốm Hương Canh, được khai thác từ nguồn đất sét trong làng, không phải mua. Nhưng nay, đất cũng… cạn dần. Muốn làm nghề người dân phải đi mua đất sét từ những nơi khác về để làm gốm. Như vậy, sản phẩm gốm của Hương Canh cũng không giữ nguyên được bản sắc riêng với hồn đất của mình mà chỉ giữ lại được cách làm của người xưa mà thôi.
Thế hệ trẻ Hương Canh hiện nay cũng không tha thiết với nghề làm gốm, họ đến các khu công nghiệp tìm tương lai ở đó. Có người dân làm lâu đời có mở hai lớp đào tạo tay nghề cho thanh niên địa phương (6 tháng/khóa học) nhưng lớp học không duy trì được lâu vì người học xong không có đủ cơ sở để làm, mong muốn “giữ lửa” cho nghề truyền thống của nghệ nhân già khó lòng thực hiện được.
Hiện nay, nhiều khi muốn có sản phẩm gốm để bán thì người làm gốm phải mua đất sét để làm
Lối đi nào cho gốm Hương Canh
Nhìn chung, để nghề gốm Hương Canh không bị mai một, tiếp tục “giữ lửa” thu hút lao động làm nghề, góp phần lưu giữ nghề truyền thống và ổn định đời sống, thu nhập cho người dân, trở thành điểm đến tham quan đậm đà bản sắc văn hóa của du lịch Vĩnh Phúc thì nhân dân, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng cần có giải pháp, chính sách gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống này:
Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân về nghề truyền thống của cha ông, làm cho họ hiểu được: Nghề truyền thống chính là hồn cốt, tinh thần và cũng là cuộc sống lâu dài của người dân bao đời nay, nếu không giữ gìn được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ và các thế hệ mai sau. Tổ chức các buổi học, tập huấn cho người dân về bảo tồn giá trị làng nghề tại thôn, xã với mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết và giúp người dân thấy được giá trị thiết thực về kinh tế - xã hội của sản phẩm gốm sứ của quê hương. Qua đó giúp người dân có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống.
Khuyến khích và tôn vinh các giá trị cổ truyền, truy tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người xứng đáng, xây dựng nhà bảo tàng lưu giữ những sản phẩm truyền thống cho các thế hệ sau tránh khỏi nguy cơ bị mai một, tổ chức các cuộc thi tìm ra những thợ giỏi để trao giải động viên khuyến khích họ.
Nhiều giải pháp được đề xuất để bảo vệ và phát triển làng gốm Hương Canh
Chính quyền địa phương cần tăng cường hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề như nhà hàng, cơ sở lưu trú và các dịch vụ khác. Cải thiện môi trường tự nhiên, xã hội thu hút khách tham quan, du lịch thúc đẩy thương mại, kinh tế phát triển.
Cơ quan, doanh nghiệp về du lịch cần khai thác các sản phẩm từ làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, bên cạnh việc giúp du khách có thêm điểm đến và trải nghiệm thú vị, hấp dẫn còn góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch ở địa phương, làm cho những sản phẩm thủ công truyền thống trở thành vật lưu niệm, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề, thúc đẩy làng nghề phát triển, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân.
Ðể khai thác hiệu quả nhất lợi thế, tiềm năng của hình thức du lịch làng nghề, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo và khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian trong khu vực làng nghề để tạo sự đa dạng, tăng sức hút với du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch các địa phương cần phối hợp các cơ sở đào tạo để tập huấn cho người dân khu vực làng nghề về cách thức, kỹ năng làm du lịch. Phát triển du lịch làng nghề chính là một trong những biện pháp hiệu quả góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Lê Thoa