Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), mặc dù Việt Nam vẫn là quốc gia cung cấp mực, bạch tuộc lớn thứ 2 cho Nhật Bản với kim ngạch 15 triệu USD, song các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp áp lực cạnh tranh lớn từ Indonesia khi kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tăng đến 149% trong 5 tháng đầu năm nay.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản đạt 146,9 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng mực, bạch tuộc của Nhật Bản từ các thị trường chính (Đơn vị: Nghìn USD)
Trong 5 tháng đầu năm nay, Nhật Bản nhập khẩu mực, bạch tuộc từ 11 nguồn cung. Các quốc gia cung cấp mực, bạch tuộc vào thị trường Việt Nam lớn nhất lần lượt là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines, chiếm 81%, 9,5%, 4,8%, 1,3% và 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản.
Mặc dù, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia đứng thứ 2 trong số những quốc gia cung cấp mặt hàng mực, bạch tuộc lớn nhất cho Nhật Bản, tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của thị trường này từ Indonesia lại đang tăng rất mạnh.
Cụ thể, từ mức 815 nghìn USD trong 5 tháng đầu năm 2019 lên tới trên 2 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2020, tăng 149%. Kết quả này giúp Indonesia đứng ở vị trí thứ 4 trong số các nguồn cung mực, bạch tuộc của Nhật Bản.
Theo ITC, Nhật Bản nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm như mực chế biến, bạch tuộc chế biến (trừ xông CO), mực tươi tươi sống, bạch tuộc hun khói/đông lạnh/ sấy khô/ngâm nước muối.
Mực chế biến là sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong tổng cơ cấu sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu vào Nhật Bản. 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu mực tươi tươi sống của Nhật Bản tăng mạnh nhất 162% đạt 18,5 triệu USD.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 5/2020 vẫn giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 48 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019. Nhật Bản là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 25% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường.
Việt Nam chủ yếu XK sang Nhật Bản các sản phẩm như mực nang đông lạnh, mực ống cắt khoanh đông lạnh, mực ống nguyên con làm sạch sushi ăn liền đông lạnh, mực ống đông lạnh Geso, mực ống đông lạnh Sugata, mực ống đông lạnh Sushi, mực ống slice đông lạnh Marusaki, mực nang cắt trái thông đông lạnh, bạch tuộc tẩm bột đông lạnh, surimi bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc chế biến đông lạnh, bạch tuộc cắt chần đông lạnh, bạch tuộc cắt luộc đông lạnh…
Cá ngừ đóng hộp cũng là mặt hàng được Nhật Bản ưa chuộng
Ngoài bạch tuộc và mực, mặt hàng cá ngừ chế biến đóng hộp XK sang Nhật Bản hiện nay cũng tăng cao.
Theo số liệu thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2020 XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng từ cuối năm 2019. Giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong giai đoạn này tăng 38%, đạt gần 7,6 triệu USD.
XK các mặt hàng cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng tăng cao, trong khi XK các mặt hàng cá ngừ tươi, sống và đông lạnh giảm.
Cụ thể, tỷ trọng XK các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp đã tăng từ 62% trong quý I/2019 lên gần 76% trong cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, XK các mặt hàng cá ngừ chế biến khác, đặc biệt các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16041490, tăng gần 114% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 12 cho thị trường Nhật Bản. Việt Nam cũng là nước duy nhất đang tăng giá cá ngừ đóng hộp XK sang thị trường này trong năm 2019.
Hồng Nga