"Cơn sốt" xuất khẩu sầu riêng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong đó Việt Nam được cho là có nhiều lợi thế. |
Sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế vượt trội
Báo Thairath dẫn một báo cáo cuối năm 2022 về sự phổ biến của loại “trái cây vua” tại Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 900.000 tấn sầu riêng trong năm 2021.
Theo Tân Hoa xã, Thái Lan hiện vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc với 3,85 tỉ USD, chiếm khoảng 96% kim ngạch xuất khẩu nước này.
“Cuộc chiến” xuất khẩu sầu riêng càng trở nên nóng hơn sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2022, giúp Trung Quốc nhập khẩu các loại trái cây tươi từ các nước Đông Nam Á dễ dàng hơn.
Vì thế, không chỉ Thái Lan hay Việt Nam, mà một số quốc gia trồng sầu riêng khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines hay Campuchia cũng đẩy mạnh xúc tiến việc xuất khẩu loại “trái cây vua” này vào Trung Quốc.
Lô sầu riêng tươi được vận chuyển từ Thái Lan đến sân bay quốc tế Bạch Vân Quảng Châu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. |
Ngày 19/9/2022, lô sầu riêng tươi đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nặng 18,24 tấn, trị giá 512.000 nhân dân tệ đã thông quan thuận lợi qua cửa khẩu Hữu Nghị, Bằng Tường, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây để vào thị trường Trung Quốc.
Như vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc.
Báo Thairath nhận xét, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn các nước láng giềng khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.
Cụ thể, do Việt Nam có thời vụ thu hoạch sầu riêng tương đối khá dài, sản lượng hằng năm khá cao, đạt 600.000 tấn/năm, và khoảng cách địa lý từ Việt Nam đến Trung Quốc cũng gần hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác đã giúp giảm phần nào chi phí vận chuyển.
Philippines, đối thủ mới của sầu riêng Thái Lan và Việt Nam
Báo Thairath dẫn báo cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Manila hôm 8-4 cho biết Philippines đã vận chuyển thành công lô sầu riêng tươi đầu tiên đến Trung Quốc, sau khi hai nước ký kết một quy chế mới về xuất khẩu sầu riêng tươi hồi đầu năm 2023.
Cụ thể, trong ngày 8-4, 28 tấn sầu riêng tươi sẽ được xuất khẩu đến Trung Quốc bằng đường hàng không và 7,2 tấn sầu riêng tươi sẽ được vận chuyển bằng đường biển.
Văn phòng Tổng thống Philippines cho biết lô sầu riêng Philippines tươi đầu tiên vượt qua các yêu cầu nghiêm ngặt để có thể “đặt chân” đến Trung Quốc là sầu riêng ở thành phố Davao, miền nam nước này.
Tuy nhiên, đối thủ cạnh tranh lớn nhất với các nhà xuất khẩu sầu riêng Đông Nam Á lại chính là các nông dân ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, nơi sẽ thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên vào tháng 6 tới.
Sầu riêng đã trở thành loại trái cây ưa thích của người tiêu dùng Trung Quốc và được bày bán tại các siêu thị nước này. |
Vì sao người Trung Quốc thích sầu riêng Việt Nam hơn Thái Lan?
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch. Tại thị trường này, Việt Nam đang có nhiều mặt hàng lợi thế cạnh tranh như thanh long, mới đây là sầu riêng, mỗi loại trái cây này dự báo sẽ đạt giá trị xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD.
Bên cạnh đó, nhóm trái cây chuối, mít, xoài…dự báo mỗi loại có giá trị xuất khẩu đến vài trăm triệu USD.
“Thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam đã ký kết tham gia 15 hiệp định thương mại tự do chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Chúng tôi dự báo năm 2023 là năm bùng nổ xuất khẩu rau quả, tăng ít nhất 20% so với năm 2022. Theo đó, xuất khẩu rau quả năm 2023 sẽ cán mốc 4 tỉ USD” – ông Nguyên nói.
Ngoài ra, ông Nguyên cho biết năm 2022 Việt Nam đã ký nghị định thư về sầu riêng, mít, khoai lang, tổ yến để xuất chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó sầu riêng Việt Nam đang có sức hút ở thị trường này.
Qua khảo sát cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao và rất thích sầu riêng Việt Nam so với sầu riêng nhập từ Thái Lan, Malaysia, Myanmar.
Qua khảo sát cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao và rất thích sầu riêng Việt Nam so với sầu riêng nhập từ Thái Lan, Malaysia, Myanmar. |
Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi vào thị trường Trung Quốc như thời gian vận chuyển chỉ mất 1,5 ngày so với sầu riêng Thái Lan 7-10 ngày. Nhờ đó, sầu riêng Việt Nam cũng được bảo quản tốt hơn. Những lợi thế trên đã giúp giá bán sầu riêng của Việt Nam hiện cũng tốt hơn so với hàng Thái Lan.
Theo ông Nguyên, ngay từ đầu năm nhiều DN phấn khởi vì trái cây xuất khẩu được giá, tăng từ 3 đến 5 lần như sầu riêng từ 40.000 đồng/kg tại vườn lên đến 160.000 đồng, thanh long cũng tăng cao.
Mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 4 tỉ USD sầu riêng, 90% nhập từ Thái Lan còn lại nhập từ Malaysia và nhập từ Myanmar dưới dạng cấp đông… sầu riêng tươi Việt Nam đang được đánh giá cao.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng rau quả Việt Nam đang xuất khẩu vào Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đạt 56,9 triệu USD, tăng 290,8% so với cùng kỳ năm 2022.
“Dù sầu riêng của Việt Nam chỉ mới xuất khẩu chính thức từ tháng 9-2022 nhưng Trung Quốc đã nhập khẩu đạt giá trị khoảng 400 triệu USD. Vì vậy, khả năng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỉ dân này có cơ hội đạt trên 1 tỉ USD trong năm nay”, ông Nguyên nói./.