Trong nửa tháng 5 giá ngao ở Trà Vinh giảm một nửa so với tháng 4. |
Giá ngao giảm xuống đáy, người nuôi không còn lợi nhuận
Ghi nhận tại tỉnh Trà Vinh, từ đầu tháng 5 đến nay, giá ngao thương phẩm đã giảm gần một nửa so với tháng 4/2023, ở mức 18 nghìn đồng/kg loại 50 - 55 con/kg ngao thương phẩm bán tại bãi nuôi. Với giá này, các hợp tác xã nuôi ngao ở tỉnh Trà Vinh không có lợi nhuận.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Thành, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, đầu vụ thu hoạch ngao nuôi vào tháng 3/2023, giá ngao thương phẩm được thương lái thu mua 30.000 - 32.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi đến đầu tháng 5, thời điểm ngao đạt kích cỡ lớn đồng đều, thu hoạch tập trung, giá ngao thương phẩm giảm thấp, thương lái thu mua nhưng với số lượng hạn chế. Nguyên nhân là do đầu ra thị trường ngao thương phẩm xuất khẩu đang gặp khó khăn.
Người dân thu hoạch ngao. |
Ông Hoàng cho biết thêm, vụ ngao 2022 - 2023, Hợp tác xã thả nuôi 80 tấn ngao giống trên diện tích 40,3 ha, năng suất ước thu hoạch khoảng 270 tấn. Trong tháng 3/2023, sản phẩm ngao nuôi của Hợp tác xã cũng đã được Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC CERTIFICATE.
Đây là chứng nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động, sản phẩm thủy sản an toàn từ trại nuôi ra thị trường, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, do Hợp tác xã nông nghiệp Long Thành chưa tìm được đối tác liên kết thu mua sản phẩm nên bị rơi vào tình cảnh được mùa, rớt giá.
Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 15.000 ha đất cồn và bãi bồi ven biển được Viện Hải dương học Nha Trang khảo sát, đánh giá rất thích hợp để phát triển nghề nuôi ngao. Những năm qua, UBND tỉnh đã chủ trương giao đất và khuyến khích các địa phương ở vùng biển vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển nghề nuôi ngao. Đối tượng được ưu tiên tham gia hợp tác xã để nuôi ngao là hộ nghèo.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã thành lập được 7 hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi ngao, tổng số xã viên trên 2.000 người và được Nhà nước giao đất bãi bồi trên biển với tổng diện tích khoảng 3.500 ha.
Riêng tại xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành có 2 hợp tác xã nuôi ngao là Hợp tác xã Tiến Thành và Hợp tác xã Long Thành, với tổng diện tích bãi nuôi hơn 280 ha, nhưng mới chỉ khai thác thả nuôi hơn 140 ha, ước tổng sản lượng ngao thương phẩm thu hoạch của mùa vụ này đạt khoảng hơn 850 tấn.
Chưa phát huy được lợi thế xuất khẩu ngao
Với tiềm năng đường bờ biển dài trên 3.260 km với nhiều bãi cát và vùng sinh cảnh thuận lợi cho nghêu phát triển và trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Ngao Việt dù đã phát triển từ lâu nhưng vẫn chủ yếu tập trung khai thác các bãi bán nhật triều vì tiện theo dõi và thu hoạch.
Nhu cầu thị trường quốc tế về các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ rất cao. Tuy nhiên, hiện sản lượng thu hoạch nghao ở nước ta chưa đáp ứng đủ các đơn đặt hàng từ EU. Nguyên nhân do, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm này tại EU chưa nhiều; sản phẩm thiếu đa dạng, và ít giá trị gia tăng; khâu quảng bá, phát triển thương hiệu, thị trường còn hạn chế.
Sơ chế ngao để xuất khẩu. |
Theo ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngành nuôi ngao hiện nay gặp một số khó khăn như giống tự nhiên chưa đủ, chất lượng giống giảm; đất bãi bồi chưa được giao chính thức, chưa ổn định; mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chưa được tổ chức tốt và chưa có hiệu quả; thiếu thông tin thị trường và khả năng xúc tiến thương mại chưa cao. Đồng thời, ngao là loài ăn lọc nên có những rủi ro nhất định; hiện nay chưa có cơ sở chế biến nghêu tại địa phương...
Để phát triển ngành hàng ngao trắng ở Trà Vinh theo hướng lâu dài, ông Dũng cho biết tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất ngao giống nhân tạo và ương giống cho các hợp tác xã. Cùng với đó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo xác định vùng nuôi an toàn. Tăng cường liên kết để hợp tác xã, nông dân có nguồn cung cấp giống và tiêu thụ ổn định, hợp lý.
Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng đã quy hoạch vùng nuôi, vùng nuôi dưỡng và khai thác ngao giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi ngao thâm canh theo hướng sản phẩm sạch; xây dựng thương hiệu để mời gọi kết nối doanh nghiệp thu mua sản phẩm, phát triển nghề nuôi ngao hiệu quả và bền vững hơn./.