Giống chanh Thái trồng chủ yếu là thu hoạch lá có giá trị kinh tế cao. |
Trồng chanh ngoại chỉ hái lá thu về tiền tỷ
Trang trại trồng chanh hái lá quy mô lớn tại ấp 6, xã Bàu Cạn (H.Long Thành, Đồng Nai) do anh Lê Kim Tiến và Nguyễn Văn Hiệp là chủ. Hiện nay, hệ thống trang trại của 2 anh đã mở rộng sang một số địa phương và xuất khẩu sản phẩm đều đặn ra nước ngoài. Thu nhập từ việc trồng chanh hái lá của anh Tiến và anh Hiệp cho thu nhập bình quân 1 tỉ đồng/năm và tạo công việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Câu chuyện bắt đầu khi cách đây vài năm, trong những dịp tham quan, du lịch anh Tiến thấy nhiều nhà dân ở miền Tây Nam Bộ đều trồng vài cây chanh, chủ yếu là để... lấy lá. Trong chế biến món ăn, người dân thường dùng lá chanh làm gia vị, nhờ đó món ăn thêm thêm ngon, hấp dẫn đậm đà, như món gà hấp, cá hấp... Từ đó, anh Tiến quyết định thực hiện ngay ý định "mở hướng làm ăn” lập trang trại trồng chanh lấy lá.
Cũng tình cờ vào thời điểm này, anh Tiến gặp lại người bạn là anh Nguyễn Văn Hiệp, đang là Giám đốc Công ty TNHH Gia vị Việt Hiệp tại Quận 12, TP HCM; đồng thời là một “chuyên gia” về gia vị. Từ cuộc gặp này, hai anh đã đi đến quyết định hợp tác thực hiện mô hình trồng chanh Thái thu hoạch lá với quy mô lớn đầu tiên ở Đồng Nai.
Anh Nguyễn Văn Hiệp tại trang trại trồng chanh lấy lá tại xã Bàu Cạn, H.Long Thành, Đồng Nai. |
Theo đó, anh Tiến góp đất, công sức; còn công ty của anh Hiệp hỗ trợ bao tiêu toàn bộ từ cung cấp cây giống đến hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phân bón, thu mua sản phẩm... Từ đó, công việc đầu tư được thực hiện bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Sau hai năm, hiện trang trại chanh đã bắt đầu cho thu hoạch lá ổn định, trung bình cứ 3 tháng cho khoảng 2 tấn sản phẩm lá. Giá thành của lá chanh tươi thu mua tại vườn hiện giữ mức ổn định từ 150-170 ngàn đồng/kg.
Ngoài ra, trang trại của 2 anh có phương tiện để chuyên chở lá chanh lên tận cơ sở phân phối, chế biến xuất khẩu tại TP.HCM. Sản phẩm lá chanh của 2 anh không chỉ chế biến, tiêu thụ trong nước để làm gia vị mà còn xuất khẩu đi các nước châu Á và châu Âu để sử dụng làm tinh dầu, hương liệu, làm thuốc. Trang trại hiện bán cả lá chanh tươi hoặc sấy khô, thái sợi hoặc xay thành bột.
"Doanh thu của trang trại chanh lấy lá mỗi năm khoảng 1 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng", anh Hiệp cho biết.
Trồng chanh hái lá siêu sạch thu hoạch tới 10 năm
Theo anh Hiệp, hiện nay trên cả nước nhiều vùng cũng trồng chanh lấy lá, tuy nhiên chưa có nhiều trang trại quy mô và chuyên nghiệp. Anh Hiệp cho biết đã mở rộng trang trại tại một số tỉnh, thành như Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM.
Cây chanh lấy lá này là loại chanh thái. Mặc dù có tiếng là dễ trồng nhưng thực tế loại chanh này cũng nhạy cảm với thời tiết, chỉ hợp với vùng đất khô ráo. May mắn, vùng đất Bàu Cạn, H.Long Thành, Đồng Nai là nơi có thổ nhưỡng phù hợp với chanh thái.
Công nhân đang hái lá chanh tại trang trại của anh Hiệp và anh Tiến. |
Để có được trang trại chanh thái tươi tốt như hiện nay, anh Hiệp cho biết ngay từ bước chọn giống phải chọn những cây khỏe khoắn, không mang mầm bệnh và đúng độ tuổi ươm trồng. Quá trình xử lý đất trước đó khá kỹ, đất được cày xới, phơi ải, xử lý và đào hố trước đó khoảng 1 tháng. Lượng phân bón vừa đủ, độ sâu phù hợp, đường kính miệng hố khoảng dưới 1m, khoảng cách giữa các cây khoảng 3m để đủ thoáng cho cây lấy ánh nắng. Việc chăm sóc cây không quá vất vả nhưng phải tỉ mỉ, tưới nước đều đặn.
"Quan trọng là hệ thống trang trại phải luôn giữ tiêu chí sạch như đã đề ra ngay từ đầu. Đó là 3 không: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu và không phân hóa học", anh Hiệp chia sẻ.
Với việc áp dụng công nghệ hiện đại để làm nông nghiệp sạch, mô hình trồng chanh lấy lá tại trang trại hoàn toàn “nói không” với chất hóa học độc hại. Hiện sản phẩm “lá chanh sạch” từ trang trại không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài, đến các thị trường khó tính của châu Âu, châu Á, tại thị trường nước ngoài lá chanh được sử dụng để làm để làm tinh dầu. Ngoài bán lá chanh tươi, công ty còn sấy khô nguyên lá, thái sợi và xay thành bột để cung cấp ra thị trường cho các nhà máy chế biến thực phẩm, gia vị.
Anh Tiến và anh Hiệp tiếp tục nhân rộng mô hình trồng chanh hái lá ra nhiều địa phương. |
Chanh Thái còn có nhiều tên gọi như cây chúc, chấp… là cây bản địa phổ biến ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Lào. Cây chanh thái chủ yếu lấy lá làm gia vị, nguyên liệu làm thuốc hoặc mỹ phẩm. Lá chanh thái rất được ưa dùng để làm gia vị tại Thái Lan. Mùi thơm của lá chanh thái được đánh giá là mạnh gấp 5 lần chanh thường. Cây chịu hạn rất giỏi, vòng đời lên tới cả chục năm.
Theo anh Hiệp, hiện nay một số nơi cũng đã trồng chanh lấy lá. Khác với chanh lấy trái truyền thống, trồng chanh lấy lá thì phải trồng chanh thái. Loại chanh này cây có ra trái nhưng trái chanh to, xù xì, khô nước.
Theo đại diện Hội Nông dân xã Bàu Cạn, mô hình trồng chanh hái lá của hai anh Lê Kim Tiến và Nguyễn Văn Hiệp là một trong những mô hình làm ăn giỏi và được đánh giá là có nhiều tìm tòi sáng tạo, một trong những mô hình làm kinh tế tiêu biểu không chỉ của xã mà còn của cả huyện Long Thành./.