Nam Định đưa 40 sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử Vỏ sò Nam Định có 146 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP Nam Định nâng cao vai trò hợp tác xã trong Chương trình OCOP |
Nằm ở trung tâm vùng nam sông Hồng, thuộc miền duyên hải phía Bắc, Nam Định là tỉnh có vùng nông thôn trù phú, có nền nông nghiệp lâu đời, có nhiều làng nghề, xã nghề truyền thống. Từ nhiều đời nay, nông thôn, nông dân, ngư dân, diêm dân Nam Định đã và đang cung cấp cho xã hội nhiều sản phẩm thiết thực, từ các loại thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn.
Các sản phẩm OCOP Nam Định |
Đến hết năm 2021 toàn tỉnh Nam Định có 251 sản phẩm OCOP, được xếp hạng từ 3 sao trở lên (39 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao; có 99 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống, 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn, trong đó có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao).
Các sản phẩm OCOP của Nam Định đều đã và đang được thị trường, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, có mặt trong hệ thống các siêu thị, nhiều sản phẩm được xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản…
Trong số các sản phẩm OCOP của Nam Định, Gạo sạch Toản Xuân là một trong những sản phẩm tiêu biểu, đã được xếp hạng OCOP 4 sao. Đáng nói là đây là sản phẩm liên kết sản xuất giữa nông dân nhiều địa phương trong tỉnh với Công ty TNHH Toản Xuân, theo quy trình 9 bước chặt chẽ, từ xác định vùng nguyên liệu, chọn giống, làm đất và gieo cấy, chăm sóc và phòng ngừa dịch hại, thu hoạch, sấy thóc, bảo quản, chế biến, lưu kho thành phẩm.
Trong số các đại phương ở Nam Định, tính đến nay, huyện Giao Thủy là địa phương có số lượng sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP nhiều nhất, với 49 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng, mang đặc trưng riêng vùng miền. Ngoài sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân, hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện có nguyên liệu từ nông nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, do chính nông dân, ngư dân, diêm dân, các Hợp tác xã, doanh nghiệp ở địa phương làm ra.
Trong đó phải kể đến các sản phẩm như Mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy; nước mắm thủ công truyền thống Sa Châu, nem nắm, gạo Đài thơm 8, Nếp cái hoa vàng, dưa lê siêu ngọt, dưa hấu trồng theo công nghệ hữu cơ, sản phẩm muối sạch, muối tinh, muối bột canh, củ gai sấy khô, nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm sò trắng, nấm sò nâu, tép moi sấy khô, ngũ cốc lợi sữa, ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc mẹ bầu, ruốc tôm, tôm he, tôm sú sấy, cá thu, cá vược…
Mật ong Sú Vẹt đạt OCOP |
Tại huyện Nghĩa Hưng, theo ghi nhận đến hết năm 2021 huyện ven biển này cũng đã có 11 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Nam Định đánh giá, xếp hạng, bao gồm Gạo nếp bắc Nghĩa Bình, Gạo Huyết rồng Nghĩa Bình, Mỳ phở Minh Khang, Cà chua sinh thái Nam Điền, Cá kho Tuyến Loan, Ruốc cá Tuyến Loan, Nấm bào ngư Gia Bình, Gạo nếp thơm Giáo Lạc, Cá chạch kho, Nước mắm Lạch Giang, Mắm tôm Văn Quang.
Tại huyện Nam Trực, chương trình OCOP cũng đang được chính quyền, người dân, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tích cực hưởng ứng, tập trung triển khai. Trong đó, trong tháng 8/2022, Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP của huyện đã đánh giá, phân hạng thêm 3 sản phẩm của huyện, bao gồm sản phẩm Tương gia truyền Đại Phòng, sản phẩm Rượu nếp Hiền Hòa và sản phẩm Lộc Bình An.
Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết, thời gian tới Tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP…
Xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất-thu nhập-hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương còn rất lớn.