Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc – Nam Á thường xuyên 2020 Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc |
Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc |
Theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 42,2 tỷ USD, tăng 2,1%. Đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 2,1%), trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã chính thức vượt mốc 120 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua, Bộ Công Thương và các địa phương đã thực hiện tốt các giải pháp để tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới. Nhìn chung, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đơn cử, với mặt hàng sầu riêng, để tạo thuận lợi tối đa cho loại trái cây này xuất khẩu sang Trung Quốc, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã ưu tiên luồng xanh, hỗ trợ tối đa về thủ tục. Nếu như trước kia, một xe trái cây phải hoàn thiện từ 4-5 giấy tờ liên quan đến kiểm dịch thực vật thì giờ đây rút xuống với 1 loại giấy tờ duy nhất. Nhờ các giải pháp tạo thuận lợi của đơn vị và các lực lượng chức năng ở cửa khẩu, thời gian thông quan với sầu riêng và các mặt hàng nông sản xuất khẩu chỉ hết khoảng 5 phút/lô hàng.
Vì vậy, dù là mặt hàng mới làm thủ tục tại đây được 1 năm nhưng sầu riêng đã vươn lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Nhóm mặt hàng điện thoại, máy tính, sản phẩm, linh kiện điện tử và rau quả xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc |
Trả lời trên báo Người Lao động, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết Trung Quốc đã nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19, xác định tập trung giữ vững ổn định phát triển và bảo đảm tăng trưởng.
Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khi hành lang xuất nhập khẩu trở nên thông thoáng hơn, thị trường tiêu dùng nội địa nước này mở rộng nhu cầu và hợp tác thương mại với các nước ASEAN được Trung Quốc coi trọng. Các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam có lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Phạm Sao Mai, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng gặp một số thách thức do sự phục hồi tiêu dùng tại nước này chưa đạt kỳ vọng và áp lực cạnh tranh từ hàng hóa của các nước khác cũng như hàng hóa nội địa Trung Quốc.
Giai đoạn tới, để gia tăng, tận dụng hơn nữa tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng chúng ta cần tiếp tục giữ vững thị phần xuất khẩu tại các địa phương tiếp giáp Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông; thúc đẩy xuất khẩu tới các địa bàn tiềm năng khác như khu vực Hoa Bắc, Hoa Đông, miền Trung và miền Tây Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng những lợi thế của thị trường như hệ thống logistics thuận tiện, thương mại điện tử phát triển, gia tăng vận tải đường biển và đường sắt, giảm áp lực xuất khẩu bằng đường bộ. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc; cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường này đối với các nhóm hàng hóa cụ thể. Các cơ quan chức năng cần gia tăng chất lượng và số lượng chương trình phổ biến, cập nhật thông tin về thị trường Trung Quốc; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ lớn, có uy tín của nước này.
Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc – Nam Á thường xuyên 2020 |
Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc |