Sen là một trong những ngành hàng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. |
Liên kết trồng sen nâng cao giá trị
Sen là một trong những ngành hàng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và đang được phát triển theo hướng “giảm chi phí, nâng cao chất lượng tăng sản phẩm chế biến” theo hướng chất lượng, an toàn và bền vững. Trong đó, chú trọng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đồng bộ, tạo vùng nguyên liệu ổn định và nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen.
Được biết đến là thủ phủ sen của Đồng Tháp, nhưng hiện nay diện tích trồng sen của huyện Tháp Mười còn khoảng 137ha, giảm gần 250ha so với năm 2019. Diện tích sen giảm nhanh chóng thời gian qua một phần do sâu bệnh và đầu ra của cây sen không ổn định nên người dân không còn mặn mà với loại cây trồng này.
Ngành chức năng của huyện Tháp Mười đã thực hiện mô hình luân canh sen – lúa, xây dựng quy trình chăm sóc và hỗ trợ kinh phí cho những diện tích trồng sen mới với hy vọng diện tích sen sẽ tăng trong thời gian tới. Để giải quyết khó khăn về đầu ra cho cây sen đã có doanh nghiệp liên kết, đứng ra để bao tiêu cho người dân.
Liên kết hợp tác với doanh nghiệp sẽ ổn định đầu ra cho người dân. |
Ông Huỳnh Văn Dũng, tổ hợp tác sen Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười cho biết, trước giờ người dân trồng lúa giá cả bấp bênh, lúc được mùa lúc thất nên nhiều hộ dân muốn thay đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Với sự quyết tâm thay đổi cây trồng và sự vận động từ chính quyền địa phương, bản thân ông Dũng và nhiều hộ dân đã chọn cây sen thay thế cho cây lúa.
Thông qua tìm tòi học hỏi và được ngành chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nên những vụ đầu đã cho kết quả khả quan, năng suất sen cao nhưng vẫn “bí” về đầu ra. Trước những khó khăn của người dân, chính quyền địa phương đã chủ động kết nối tổ hợp tác với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm. Chính điều này đã đã giúp cho các hộ dân trong tổ hợp tác an tâm về đầu ra, giờ chỉ chú trọng đến quy trình canh tác để sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu.
Không chỉ ngắm mà còn được thưởng thức đặc sản từ sen
Giờ đây, người dân không còn cảnh thấp thỏm về đầu ra cho cây sen, giá bán sẽ được doanh nghiệp thu mua 25.000 đồng/ký gương sen. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ kỹ thuật trồng cho người dân để sản phẩm làm ra đạt chất lượng theo yêu cầu.
Ông Nguyễn Công Chánh, tổ hợp tác sen Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười chia sẻ, các thành viên trong tổ hợp tác đều kỳ vọng vào cây sen. Đây là cây trồng sẽ mang lại thu nhập, đời sống ổn định cho người dân nếu phát huy hết giá trị từ cây sen và hướng tới canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm sẽ góp phần tăng thu nhập của người dân.
Theo ông Nguyễn Công Chánh, giá bán ổn định người dân sẽ tính toán được chi phí, lợi nhuận để tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Với tín hiệu vui ban đầu, các thành viên trong tổ hợp tác đang nghĩ tới việc đa dạng hóa các sản phẩm từ sen để nâng cao giá trị, nhưng để làm được điều này thì trước tiên từng thành viên trong tổ hợp tác phải thực hiện theo cam kết của hợp đồng với doanh nghiệp và phải đặt chữ “tín” lên hàng đầu.
"Bán gương sen, bông sen, lá sen làm các loại nước giải khát từ cây sen để mà bán cho tỉnh, huyện hoặc những nhà đầu tư mình hướng tới xuất khẩu, ai cũng đảm bảo uy tín, nông dân cũng đảm bảo uy tín với công ty, công ty giữ mối giúp đỡ nông dân thì nông dân sẽ giữ mối lâu dài với công ty' - ông Chánh chia sẻ.
Đồng Tháp định hướng sản xuất vùng trồng sen theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. |
Việc liên kết tiêu thụ sen với doanh nghiệp là tín hiệu khả quan cho ngành hàng sen của Tháp Mười. Tuy nhiên, để tăng diện tích và thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành hàng sen thì vẫn còn rất nhiều điều kiện như việc liên kết phải bền vững, nông dân phải từng bước sản xuất theo nhu cầu chất lượng của đơn vị và bản thân người nông dân phải linh động, sáng tạo trong đa dạng các sản phẩm và hình thức tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt, với việc liên kết cùng tổ hợp tác sen Hưng Thạnh sẽ giúp cho doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng của các đối tác trong và ngoài nước. Hiện nay, những sản phẩm chế biến sâu về sen rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là các nước khu vực châu Á hay châu Âu. Vì vậy, thời gian tới doanh nghiệp sẽ mở rộng thêm vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ để đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác nhập khẩu. Việc ký liên kết bao tiêu sản phẩm từ sen là bước khởi đầu để doanh nghiệp và người trồng sen ngồi cùng con thuyền để chung tay xây dựng và phát triển các sản phẩm từ sen của địa phương trong thời gian tới.
"Từ trước đến nay ngành hành sen xảy ra tình trạng biến động giá rất lớn do cung cầu không đều nên dẫn đến thời điểm cung dư, thời điểm cung thiếu nghiêm trọng nên việc giá ổn định cũng như nguồn cung ổn định như thế này sẽ mang lại phát triển bền vững hơn và lâu dài hơn, từ đó tạo ra giá trị bền vững hơn cho người nông dân trồng sen cũng như doanh nghiệp chế biến sen" - ông Thắng cho biết.
Nâng tầm thương hiệu sen Đồng Tháp từ OCOP
Thời gian qua, Đồng Tháp đã xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, nhiều sản phẩm OCOP được phát triển và mang lại giá trị cao cho người dân. Nhưng điều cốt lõi để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen thì vai trò liên kết giữa người dân, doanh nghiệp phải chặt chẽ, khi đó sẽ tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành hàng sen là một trong những ngành hàng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp, để ngành hàng này phát triển theo đúng định hướng địa phương sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, tăng chuỗi giá trị của ngành hàng sen Đồng Tháp thời gian tới.
Sen là một trong những ngành hàng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. |
Cũng theo ông Thiện: "Trước đây có vài loại sen nhưng ta làm rất nhiều thứ nhưng có những loài sen không phù hợp với sản phẩm đầu ra. Tới đây, chúng tôi sẽ làm bộ sưu tập các loại sen và rà soát, đánh giá những vùng nào có thể tích hợp với sen hoặc liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp theo nhu cầu hoặc là hình mẫu sau đó sẽ nhân rộng, phát triển sen".
Đồng Tháp đang tập trung đầu tư để phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích khoảng 1.400ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn vào năm 2025. Trong đó, địa phương sẽ quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho một số ngành nghề liên quan như công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ và phát triển thêm những sản phẩm OCOP từ nguyên liệu sen gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, định hướng sản xuất hữu cơ để đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Cây sen Đồng Tháp gắn với vùng đất và con người nơi đây. Cây sen không chỉ làm đẹp cho vùng quê sông nước mà còn tạo sinh kế giúp người dân làm giàu. Sen Đồng Tháp mãi tỏa hương nhờ được đầu tư một cách bài bản, những sản phẩm ngày càng đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng./.