![]() |
Rong nho được ví như "trứng cá hồi xanh" |
Rong nho (tên khoa học Caulerpa lentillifera) là loại tảo biển, được ví như "trứng cá hồi xanh" của Nhật Bản, có chất dinh dưỡng cao, du nhập vào Việt Nam từ năm 2004.
Hơn 10 năm trước, khi làm quản lý dược cho một công ty ở Nha Trang, anh Duy nghỉ việc chuyển sang trồng loài thực vật này. Ban đầu, ý định của anh bị mọi người trong gia đình phản đối vì mặt hàng này quá mới mẻ, xa lạ.
Năm 2012, anh Duy đầu tư thử nghiệm 3 ha với sản lượng 2,5 tấn mỗi ha ở xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa). Anh chủ động liên kết với nhiều đơn vị nuôi khác, học hỏi những người có chuyên môn tại các trường đại học ở TP HCM, công ty ở Nhật Bản để tìm ra công thức chuẩn cho nuôi trồng và chế biến. Sau nhiều lần thử nghiệm đã có thành công, rong nho phát triển tốt hơn mong đợi.
Tuy nhiên, người dân chưa biết đến nhiều về rong nho nên việc kinh doanh thua lỗ, đầu ra nhỏ giọt. Anh phải đi qua nhiều nước như Mỹ, Nhật tìm kiếm thị trường quốc tế, còn ở trong nước thì thuê các công ty truyền thông làm quảng cáo trên các nền tảng số, với mong muốn nhiều người Việt Nam biết đến lợi ích dinh dưỡng mà sản phẩm rong nho mang lại.
Trong lần đầu tiên công ty đưa lô hàng hơn một tỷ đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên sản phẩm rong nho bị đối tác trả về vì thời gian vận chuyển lâu, dẫn đến hư hỏng, phải tiêu hủy hàng. Sau lô hàng này, anh Duy phải đem nhà đi cầm cố để có vốn tiếp tục duy trì sản xuất. Thậm chí anh còn bỏ kinh phí đi sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe của thị trường quốc tế.
![]() |
Mô hình trồng rong nho của anh Duy. Ảnh Xuân Ngọc |
Theo anh, rong nho là nông sản mới nên không có tiêu chuẩn về nuôi và chế biến, chủ yếu quản lý về hàm lượng và an toàn thực phẩm, môi trường nuôi không được sử dụng hoá chất. "Đây là một loại rau sạch", ông nói và cho biết sản phẩm rong nho có thời gian bảo quản khá ngắn, từ 2-3 tháng. Để sản phẩm có thời gian bảo quản lâu dài hơn chi có cách "hạn chế tạp chất và vi khuẩn".
Năm 2014, đoàn chuyên gia Nhật Bản đến vùng nuôi của anh Duy thuộc xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) để thăm và kiểm nghiệm (thông qua chương trình hợp tác). Họ đánh giá rong nho trồng tại địa phương phát triển tốt, chất lượng hơn "thủ phủ" rong nho thế giới ở Onikawa (Nhật Bản) nên có lời đề nghị xuất khẩu sản phẩm của công ty sang thị trường Nhật.
Sau 10 năm làm rong nho, 6 lần thất bại với số tiền thua lỗ hàng chục tỷ đồng, song không làm anh nản chí. Đến nay, anh Duy đã xây dựng nhà máy đóng gói và chế biến, công thức và quy trình sản xuất được thực hiện kỹ lưỡng, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước ngoài như HACCP, ISO, FDA... Ngoài ra, công ty anh còn có các trang trại trồng rong nho ở thị xã Ninh Hòa, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Thuận với tổng diện tích nuôi hơn 55 ha.
Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 40 tấn rong nho, trong đó có hai thị trường lớn là Nhật Bản và Mỹ; 30 tấn cho thị trường trong nước. Mỗi tháng công ty đạt tổng doanh thu hơn 6 tỷ đồng, lãi hơn 30%. Dự kiến thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường ở châu Âu, châu Á. Sản phẩm rong nho được tiêu thụ khá mạnh ở thị trường trong nước thông qua hệ thống siêu thị.
Từ mô hình nuôi trồng thử nghiệm 3 ha, hiện anh Duy đã nhân rộng quy lên 85 ha, dự kiến phát triển thêm 80 ha. Năm 2020, công ty sản xuất và chế biến rong nho của anh còn được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận kỷ lục có diện tích nuôi trồng và sản lượng thu hoạch rong nho Nhật Bản lớn nhất nước.
Kỹ thuật trồng rong nho mang lại hiệu quả kinh tế cao
![]() |
Để trồng rong nho hiệu quả kinh tế cao nhà nông cần lưu ý đến việc lựa chọn vị trí trồng rong nho, kỹ thuật chọn giống và thả giống, mùa vụ trồng, quản lý, chăm sóc, công tác sơ chế, bảo quản, công tác vận chuyển…
Rong nho biển có thể trồng quanh năm, riêng các tháng mùa mưa trồng hạn chế do đây là loại rong có khoảng thích ứng nhiệt độ trên 20oC, độ mặn cao trên 28o/oo. Trồng mùa mưa nếu gặp trường hợp mưa nhiều làm rong tàn nhanh hoặc hiệu quả không cao.
Người trồng cần lựa chọn rong giống khỏe, màu xanh, rong không bị dập, không có sinh vật bám. Cọng rong mập mạp, các quả (trái nho) xếp đều đặn dọc hai bên thân và không có dị tật.
Chọn nơi có các vùng nước biển sạch, không ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tránh xa nguồn nước ngọt từ các sông suối đổ vào, thuận tiện trong việc cấp thoát nước, vùng ít bị ảnh hưởng bởi sóng, gió và ít bị ảnh hưởng, tác động từ các phương tiện giao thông đường thủy, chọn vùng nuôi nơi có đáy cát hoặc cát pha bùn…
Hoặc tận dụng các ao, đìa nuôi tại các vùng ven biển, vịnh nơi có điều kiện thuận lợi, ít bị tác động, phù hợp cho rong nho biển phát triển gần với điệu kiện tự nhiên. Có chất đáy là cát pha bùn, nước ao nuôi có độ mặn: 30 - 35‰, pH: 7,5 - 8,5, nhiệt độ: 28 - 30oC.
Mật độ nuôi trồng thích hợp ở vào khoảng 200 kg giống/sào đối với trồng đáy, tương ứng với khoảng 0,2kg giống/vỉ, mỗi sào bố trí rải đều khoảng từ 1.000 - 1.200 vỉ.
![]() |
Có ba phương pháp trồng rong nho gồm: Trồng đáy, kê sàn và trồng trong vỉ lưới.
Với phương pháp trồng đáy: Bà con dùng các nẹp bằng tre hoặc gỗ gim cố định các nhánh rong xuống đáy ao, khoảng cách trồng 40 x 40 cm, mật độ nuôi trồng khoảng 200 kg giống/sào. Phương pháp này khá đơn giản, có chi phí đầu tư thấp, tuy nhiên khi thu hoạch và triển khai vụ mới tốn khá nhiều nhân công hơn so với các phương pháp khác.
Phương pháp trồng kê sàn bà con cần lưu ý dùng gỗ tạp hoặc tre đóng hoặc xếp thành hàng cách mặt đáy ao khoảng 5 cm, dùng các khay, rổ có kích thước 50 x 30 cm, bỏ cát, bùn vào rồi cấy rong nho giống, tiến hành giữ cố định rong trong khay rổ. Phương pháp này khá tốn công, rong chậm phát triển do ít hấp thụ được nguồn dinh dưỡng từ đáy ao.
Phương pháp trồng trong vỉ lưới nên sử dụng các khung gỗ, tre hoặc ống nhựa làm thành hình vuông hoặc chữ nhật, kích thước khoảng 0,3 x 0,6 m, bao 2 lớp lưới, lớp dưới bố trí loại dày, mắt lưới nhỏ là giá đỡ giống rong, lớp trên phủ lên trên có mắt lưới thưa, may bốn mép để cố định rong giống trong vỉ, sau đó thả theo thứ tự thành hàng trong ao, có bố trí đường đi để kiểm tra, chăm sóc các vỉ rong. Phương pháp này giúp cho rong nho hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, đồng thời cũng dễ dàng hơn trong quản lý, chăm sóc, thu hoạch và quan trọng là mang lại hiệu quả cao hơn so với các phương pháp khác.
Mặc dù được đánh giá là loài dễ nuôi trồng, tuy nhiên bà con vẫn cần phải tuân thủ nghiêm quy trình nhằm đạt hiệu quả cao trong nuôi trồng sản xuất, một số lưu ý khi nuôi trồng rong nho biển cụ thể:
Định kỳ 2 - 3 ngày theo dõi sự phát triển của rong, tiến hành vệ sinh nhặt bỏ rong tạp, tiêu diệt cá, cua còng vào ăn rong và phá rong nuôi trong ao đầm, dùng tay rung, gạt nhẹ khay rong nhằm loại bỏ các chất bẩn bám trên khay, thân rong.
Bà con cần chú ý theo dõi lịch thủy triều để có chế độ thay nước hợp lý nhằm cung cấp một lượng nước mới giúp kích thích rong phát triển, thông thường khoảng 3 - 5 ngày thay nước mới một lần, lượng nước thay khoảng 50 - 70%.
![]() |
![]() |
![]() |