![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. |
Sáng 8/5, UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn toàn tỉnh. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Buổi lễ được kết nối trực tuyến đến 1.018 điểm cầu từ tỉnh đến các ban, sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố; các trường đại học, chợ, doanh nghiệp với hơn 52.000 người tham dự.
Phong trào được triển khai nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số (CĐS), trang bị kỹ năng số thiết yếu cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS.
Tại buổi lễ, đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã trình bày Kế hoạch của Tỉnh ủy Thanh Hóa về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, nhấn mạnh yêu cầu thực hiện đồng bộ, sâu rộng đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Mục tiêu là xây dựng phong trào thi đua toàn dân học tập, rèn luyện kỹ năng số, góp phần phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.
Xây dựng công dân số toàn diện
Theo Kế hoạch, đến năm 2026, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công phải có hiểu biết, kỹ năng về CĐS, sử dụng hiệu quả các nền tảng số trong công việc.
100% học sinh từ bậc tiểu học được trang bị kiến thức và kỹ năng số phục vụ học tập, nghiên cứu, sáng tạo và an toàn trong môi trường số. Người dân trưởng thành được phổ cập tri thức số, sử dụng thành thạo thiết bị thông minh và các dịch vụ số thiết yếu. 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành đạt chuẩn phổ cập tri thức CĐS trên nền tảng VNelD.
![]() |
Các đại biểu tiến hành nghi thức bấm nút phát động phong trào "bình dân học vụ số" |
100% người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, ứng dụng hiệu quả thiết bị thông minh vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Để đạt được những mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh đến việc truyền thông sâu rộng về phong trào, hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình CĐS.
Khơi dậy tinh thần cách mạng, tiếp nối truyền thống “diệt giặc dốt”
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn khẳng định: “Phong trào 'Bình dân học vụ số' là một hoạt động mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc phát triển quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Đây cũng là việc làm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào 'Bình dân học vụ số'”.
Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh: Cách đây gần 80 năm, phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã góp phần xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí. Ngày nay, trong bối cảnh CĐS là yêu cầu tất yếu, phong trào “Bình dân học vụ số” trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giúp người dân tiếp cận tri thức mới, khai thác thành tựu khoa học, công nghệ để phát triển.
![]() |
![]() |
Đại diện MTTQ tỉnh tiếp nhận quà tặng của các doanh nghiệp trao tặng cho phong trào "bình dân học vụ số" |
Chủ tịch tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào, gắn chặt với các chương trình như “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập”, “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, CĐS”… Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu, thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”. Tổ công nghệ số cộng đồng tại xã, thôn, đoàn thanh niên, cùng các tổ chức, cá nhân được huy động tham gia tuyên truyền, hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị và tài liệu học tập.
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao xây dựng khung năng lực số phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các chương trình đào tạo trực tuyến, trực tiếp sẽ được triển khai rộng rãi, tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, bảo đảm mọi người đều có thể ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, công việc, học tập.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thực hiện nghi thức bấm nút phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn toàn tỉnh. Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh và Thị đoàn Nghi Sơn phát biểu hưởng ứng; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ đã hỗ trợ kinh phí triển khai phong trào với tổng trị giá gần 7,5 tỷ đồng.
Ngay sau lễ phát động, đại biểu tham dự được nghe đồng chí Trần Duy Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trình bày đề cương triển khai phong trào; ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ BKAV trình bày chuyên đề “Ứng dụng AI trong công việc và cuộc sống”.