Cây mây thuộc họ cau, gồm nhiều loại khác nhau |
Cây mây thuộc họ cau, gồm nhiều loại khác nhau, nhưng chỉ có loại mây trắng là được ưa dùng. Chúng có thân dạng dây, dài hàng chục mét. Người ta lấy đọt bằng cách rút sợi mây xuống để hái. Ngày nay, mua đọt mây khó hơn trước đây vì rừng khan hiếm.
Với đặc điểm bền, chắc, không bị mối mọt… cây mây từ bao đời nay đã trở thành nguyên liệu quen thuộc dùng để bó buộc hoặc đan lát đồ thủ công mỹ nghệ. Thế nhưng, ít ai biết được đọt mây cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn dân dã, được bán với giá cả trăm nghìn đồng/kg.
Cầm bó đọt mây dài chừng 60cm, chị Phương Sao (trú tại Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết, mây rừng là loại thân leo trước đây mọc um tùm khắp rừng được bà con lấy về đan gùi hay một số vật dụng trong nhà. Đọt mây cũng được dùng để chế biến các món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của đồng bào Ê Đê.
Sau khi bóc lớp vỏ bên ngoài đầy gai là phần ruột trắng nõn, chế biến được nhiều món hấp dẫn |
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích rừng ngày càng hẹp lại. Muốn ăn đọt mây, đồng bào phải đi rất xa, sâu trong rừng, tốn rất nhiều công sức. Do đó, đọt mây trở thành quý hiếm, thi thoảng mới gặp để mua.
Mỗi bó gồm 5 đọt mây được chị Phương bán với giá 40.000 đồng, đắt hơn các loại rau khác nhiều lần nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng, không có hàng để bán.
Bán đọt mây trên chợ mạng với giá 120.000 đồng/kg, anh Hồ Xuân Quốc trú tại Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho hay, trước đây ngoài lấy về phục vụ bữa ăn gia đình, đọt mây rừng được bán đầy các khu chợ phiên.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây đọt mây bỗng trở nên quý hiếm. Nhiều người đi rừng về, chưa kịp mang ra chợ đã được thương lái thu mua tận nhà với giá từ 7.000-12.000 đồng/đọt.
Khi chế biến món ăn, người ta chọn những đọt mây non tơ, bụ bẫm dài khoảng ba bốn gang tay, mang về tước bỏ phần vỏ lá bên ngoài. Từ những lõi đọt mây trắng ngần có vị ngọt và đăng đắng, người S’tiêng chế biến thành nhiều món ăn đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn.
Đọt mây chấm muối ớt... |
Món đọt mây bỏ ống tre sau đó nướng vào lửa là món ăn khoái khẩu của không ít người. Món đọt mây nướng được vùi dưới than hồng giống như nướng củ sắn tươi, có hương vị rất thơm, bùi và không dai vì còn giữ được nước. Người già đã rụng hết răng rất thích ăn món này vì không cần nhai. Những người già S’tiêng vẫn thường nói: “Nõn mây thường được đồng bào nơi đây dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng”.
Đọt mây không chỉ làm phong phú ẩm thực của người S’tiêng mà nó còn là một vị thuốc hiệu nghiệm khi chữa sốt rét. Với người S’tiêng, vị đắng và ngọt đặc trưng của Đọt mây luôn là thức ăn dân tộc được ưa chuộng. Món nướng ăn có vị đắng hơn xào, nhưng chính vì đắng mới cảm nhận được độ ngọt của nó. Nếu ăn xong một đọt mây, húp thêm một muỗng canh thụt thì mới hiểu hết về món ăn của người S’tiêng.
Sau khi chín, người ta xé đọt mây ra từng sợi chấm với muối giã nhuyễn cùng ớt xiêm trái bé xíu. Vị đắng, ngọt, thơm của đọt mây hòa quyện cùng vị mằn mặn của muối, vị cay nồng của ớt mang đến cho người ăn một cảm giác thú vị và lạ miệng. Hương vị của đọt mây mang lại cho du khách những cảm nhận thật nhất về cuộc sống, về phong tục tập quán, về truyền thống văn hóa của đồng bào S’tiêng để một lần được thưởng thức quây quần bên mâm cơm của đồng bào, để một lần nhớ, nhớ mãi… không quên.
Đọt mây xào thịt bò, lá nhíp. |
Đọt mây nướng trên than hoa có lẽ giữ được hương vị hơn cả. Đọt mây thường được nướng lên rồi chấm với muối hột dầm ớt hiểm (ớt thóc) có vắt chút nước chanh. Khi ăn đọt mây không thấy dai mà thơm giòn.
Món nướng ăn có vị đắng hơn xào, nhưng chính vì đắng mới cảm nhận được độ ngọt của đọt mây. Nếu ăn xong một đọt mây, húp thêm một muỗng canh thụt (hay còn gọi là canh bồi, canh đại ngàn) thì còn ngon vô cùng.
Ăn xong, đọt mây đọng lại ở cổ họng vị the the đắng, ngọt bùi và mát, một hỗn hợp đắng, bùi, nhôn nhốt chua; cứ đượm giọng mãi.
Ngày nay, đọt mây không còn là món ăn riêng của đồng bào mà trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng.