Đặc sản cam Cao Phong: Giá cam tăng cao, tiểu thương ngại cắt Bí quyết thu trên 1 tỷ/năm từ cam đường canh của lão nông phố núi Về nơi còn sót lại giống cam cổ cực hiếm trái to như trái bưởi |
Nhiều vườn cam ở huyện Quỳ Hợp còn sót lại quả cũng rụng đầy vườn. Ảnh: Quang An |
Vùng cam một thời vang bóng, giờ toàn mía với ngô
Đến vùng trọng điểm cam Vinh của huyện Quỳ Hợp vào một ngày trung tuần tháng 11 này, tuyệt nhiên không còn cảnh nhộn nhịp mua, bán cam của thương lái như trước. Những trại cam rộng hàng chục héc-ta sai trĩu quả của vài năm trước, thì nay thay vào đó là những cánh đồng mía, những luống ngô sinh khối chuẩn bị thu hoạch. Suốt trên các trục đường chính của vùng cam, thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài vườn cam, nhưng không ai đoái hoài, vì chất lượng quả cam quá kém, nếm thử có vị chua.
Ghé vào vườn cam của gia đình anh Hậu, chị Huyền ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp, cả vườn cam còn khoảng 150 gốc cam Xã Đoài lòng vàng. Anh Hậu cho biết, toàn bộ cây cam đã bị nhiễm sâu bệnh, nên không đầu tư chăm sóc nữa, để tự sinh trưởng. Vì vậy, quả cam vào vụ thu hoạch nhưng chỉ to hơn quả chanh một chút, không có độ ngọt, thơm đặc trưng như trước, thương lái chỉ mua với giá 3.000 – 4.000 đồng/kg, thậm chí không bán được, để rụng đầy vườn.
“Nhiều gia đình trong xóm đã phá cây cam luân chuyển sang trồng cây ngắn ngày, cho thu nhập đều, do vậy, tới đây gia đình cũng sẽ đào hết số gốc cam này để chuyển sang trồng ngô, hoặc mía để cải tạo đất. Sau 4 – 5 năm mới tính đến trồng lại cam”, anh Hậu chia sẻ.
Vườn cam của anh Hậu ở xóm Thọ Thành, xã Minh Hợp không còn được đầu tư, chăm sóc như trước. Ảnh: Quang An |
Ông Nguyễn Công Biên - chủ trại cam hơn 1 ha thuộc Công ty TNHH 1 thành viên Nông nghiệp Xuân Thành cho biết, trại cam của gia đình cho thu hoạch từ năm 2019, đỉnh cao là mùa cam của năm 2020 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, nhưng bước sang năm 2021, vườn cam suy thoái nghiêm trọng. Thời điểm kích thước bằng quả chanh là bắt đầu rụng hàng loạt, đến kỳ thu hoạch chỉ còn khoảng 20% số quả, nhưng chất lượng kém, dẫn đến thua lỗ. Do vậy, cuối năm 2021, gia đình quyết định phá hết trại cam để trồng ngô sinh khối, chỉ để lại mấy chục gốc quýt PQ.
“Trồng ngô mỗi năm 3 vụ, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhưng quan trọng hơn là cải tạo được đất, để cho đất nghỉ, trừ sâu bệnh, sau này có thể chuyển sang trồng cam, lấy lại thương hiệu cam Vinh; tuy nhiên, chí ít cũng phải 4 – 5 năm nữa”, ông Biên cho hay.
Quan sát của chúng tôi cũng cho thấy, trên Quốc lộ 48, đoạn qua xã Minh Hợp có vài điểm bán cam Quỳ Hợp, nhưng số lượng ít, quả cam không được bắt mắt. Loại đẹp nhất có giá 30.000 đồng/kg, thấp nhất 10.000 đồng/kg, số lượng người mua chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thương lái cho biết, như các năm trước, trong tháng 11 này, mỗi ngày thu mua hàng tấn cam của bà con trong vùng để chuyển đi cho khách hàng gần xa, nhưng nay, mỗi ngày chỉ mua chọn được vài yến, mang ra bán lẻ ngoài Quốc lộ 48, nhưng khó bán vì cam không được đẹp và ngon như trước. Vì số lượng bán được ít, nên các chủ vườn cam không có bao bì đựng cam có in thông tin về trại cam như trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng nghi ngờ về nguồn gốc của cam.
Cam bị nhiễm sâu bệnh nặng, năng suất giảm mạnh. Ảnh: Quang An |
Bằng cách nào giúp cam Quỳ Hợp tìm lại thời hoàng kim
Số liệu từ Công ty TNHH 1 thành viên Nông nghiệp Xuân Thành cho biết, trước đây, thời kỳ cao điểm đơn vị có gần 1.000 ha cam các loại và quýt PQ. Vì thế, từ cuối tháng 10 là vào vụ thu hoạch cam, thương lái đánh ô tô đến thu mua hàng chục tấn mỗi ngày đi tiêu thụ khắp nơi, người trồng cam vì thế có thu nhập cao. Nhưng càng về sau, cam bị nhiễm bệnh nhiều, chất lượng kém, nên diện tích cam giảm mạnh. Như năm vừa qua, diện tích cam giảm một cách nhanh chóng, hiện chỉ còn khoảng 96 ha cây có múi. Trong đó, cam khoảng 30 ha, còn lại là quýt PQ.
Đại diện Công ty TNHH 1 thành viên Nông Nghiệp Xuân Thành cho biết, do cam chất lượng kém nên từ giữa tháng 10, các hộ đã thu hoạch gần như hết cam, với giá rất thấp từ 3.000 – 7.000 đồng/kg; đến trung tuần tháng 11 này vùng trọng điểm cam Vinh này vắng bóng thương lái. Do đó, cuối năm này cam Quỳ Hợp sẽ không có để cung ứng cho thị trường vào dịp Tết như trước đây.
Vườn cam của ông Biên nay đã thay thế bằng những cánh đồng ngô sinh khối, phía xa là những cây quýt PQ, cam đã bị chặt bỏ hoàn toàn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Trước đây Quỳ Hợp là thủ phủ của cam Vinh, bởi diện tích nhiều và năng suất cao, chất lượng đảm bảo, được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, do bệnh bùng phát trên cây cam, khiến diện tích cam giảm mạnh, từ chỗ 3.000 ha năm 2020 xuống 1.500 ha năm 2021, đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 200 ha. Việc diện tích cam của Quỳ Hợp giảm cũng là định hướng của địa phương, nhằm luân chuyển sang các loại cây trồng khác để cải tạo đất, diệt tận gốc các sâu bệnh. Đến một giai đoạn nào đó, có thể khôi phục vùng cam được thì khuyến cáo người trồng cam chọn những giống cam có nguồn gốc và sạch bệnh để trồng.
“Hiện nay, những diện tích cam đã chặt phá, bà con chuyển sang trồng ngô, mía, chè… chứ không để đất hoang, vì vậy, bà con vẫn có thu nhập, dù không cao như trước, nhưng đây là giải pháp khả thi nhất thời điểm này”, ông Quán Vi Giang cho hay.
Cam bán dọc Quốc lộ 48 không còn nhộn nhịp như trước. Theo tìm hiểu, một số gian hàng cam lấy hàng từ các tỉnh phía Bắc, vì thực tế cam Quỳ Hợp hiện không còn nhiều, cũng không có tem nhãn để chứng minh nguồn gốc. Ảnh: Xuân Hoàng |
Không chỉ huyện Quỳ Hợp mà nhiều vùng cam khác trên địa bàn tỉnh cũng bị thoái hóa, bởi nhiễm bệnh. Tình trạng cam rụng, cam kém chất lượng tràn lan, khiến người trồng kém mặn mà như trước, chuyển sang những cây trồng khác.
Theo ông Nguyễn Tiến Đức – Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, tình trạng cam bị thoái hóa bắt đầu từ huyện Nghĩa Đàn, sau đó là các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ… do vậy, diện tích cam tại các địa phương bị thu hẹp, số trại cam có chất lượng tại các địa phương này rất ít.
“Không còn cách nào khác, những diện tích cam bị nhiễm bệnh, bà con cần phá bỏ để tiêu hủy, hạn chế mầm bệnh, chuyển sang trồng luân canh cây khác. Khi nào đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật thì bà con có thể tái canh cây cam theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Mặc dù vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số trại cam được chăm sóc tốt và đầu tư bài bản như ở các huyện Anh Sơn, Yên Thành, Con Cuông, Thanh Chương… có thể cung ứng cho thị trường trong thời gian tới”, ông Nguyễn Tiến Đức nhấn mạnh.
Cam Quỳ Hợp một thời đem lại sự trù phú cho vùng đất này. Giống cam Vinh nổi tiếng bén duyên ở đất Quỳ Hợp tạo nên một vùng nông sản quy mô lớn của tỉnh Nghệ An. Nhưng rồi theo thời gian, vùng cam Quỳ Hợp không được đầu tư thỏa đáng nên không bắt nhịp xu thế phát triển. Một thương hiệu cam ít nhiều đã tạo dựng được thương hiệu giờ trở nên tan hoang. Sẽ còn nhức nhối với câu hỏi: Cam Quỳ Hợp khi nào trở lại thời hoàng kim?./.