Theo Nghị quyết, tổng số thu NSNN năm 2021 dự toán là 1.343.330 tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, trong đó bội chi ngân sách Trung ương (NSTƯ) là 318.870 tỷ đồng (3,7% GDP), bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 24.800 tỷ đồng (0,3% GDP). Tổng mức vay của NSNN là 608.569 tỷ đồng.
Cùng với dự toán 2021, Nghị quyết cũng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về dự toán NSNN năm 2020.
Cụ thể, tăng bội chi NSTƯ 133.500 tỷ đồng để bảo đảm dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, giao Chính phủ phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước, thực hiện huy động vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân ngân sách Trung ương năm 2020.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 |
Trong năm 2020, Quốc hội thống nhất không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Trường hợp cân đối thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, các địa phương phải chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2020 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, các chính sách an sinh xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành; trường hợp còn hụt thu cân đối thì phải rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; đồng thời, địa phương được tính giảm nguồn cải cách tiền lương tương ứng 50% số hụt thu NSĐP.
Nghị quyết cũng bổ sung dự toán thu NSNN 533,647 tỷ đồng từ nguồn 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 còn dư của Bộ Công an, đồng thời bổ sung dự toán chi đầu tư lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội cho Bộ Công an để thực hiện các dự án đã được phê duyệt đầu tư 440,424 tỷ đồng từ nguồn 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014.
Bổ sung dự toán thu, chi NSTƯ 26.142,81 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp và nguồn tài chính hợp pháp khác theo Báo cáo số 36/BC-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục chuyển nguồn 3.233,149 tỷ đồng kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản từ năm 2019 chuyển sang và sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2021 để thực hiện mục tiêu hỗ trợ hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Bên cạnh điều chỉnh dự toán NSNN, tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021.
Trong đó, Nghị quyết nêu rõ trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương. Đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của doanh nghiệp, tổ chức, cho phép được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2021, tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia, cơ chế điều tiết một số khoản thu đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội về kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020; cho phép tiếp tục sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường để thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14.