Theo đánh giá của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Vịnh Hạ Long là nơi có tính đa dạng cao về sinh học. Bước đầu thống kê đã xác định được gần 2.000 loài động vật, 1.000 loài thực vật sống trên các đảo. Trong đó đã phát hiện nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm như: Tuế Hạ Long, cọ Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long, nhài Hạ Long, song bế Hạ Long, riềng núi đá, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài…
Ngoài giá trị bảo tồn các loài quý hiếm, đây còn là nơi lưu trữ rất nhiều nguồn gen thực vật có các giá trị sử dụng khác nhau như: Gỗ, dược liệu, thực phẩm, cảnh quan... có thể nghiên cứu và phát triển để đưa vào sản xuất.
Theo kế hoạch, Quảng Ninh sẽ xây dựng, nâng cấp Khu rừng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long thành Vườn Quốc gia Vịnh Hạ Long
Để tăng thêm giá trị cho Vịnh Hạ Long và có cơ sở pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị cảnh quan rừng, từng bước đầu tư phát triển, khởi tạo Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan thành Vườn Quốc gia, việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3363/QĐ-UBND thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long là một hướng đi hết sức chiến lược và cần thiết.
Theo đó, Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long được xác định tại vùng lõi của Vịnh Hạ Long, có diện tích 434km², với 775 hòn đảo. Tổng diện tích rừng đặc dụng gồm diện tích núi đá, núi đất và rừng ngập mặn là trên 5.000ha, được chia làm 3 phân khu và vùng đệm. Toàn bộ Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và chứa đựng các yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long), đơn vị được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý, thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và điều kiện để xây dựng kế hoạch, các chương trình, dự án quản lý bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên; theo dõi diễn biến rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng...
Thạch sùng mí, một trong những loài động vật đặc hữu quý hiếm được tìm thấy trên Vịnh Hạ Long
Khái toán từ năm 2020-2030, tổng vốn đầu tư cho Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long là trên 64 tỷ đồng, nhằm thực hiện các dự án, phương án và chương trình nghiên cứu ưu tiên như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quyền sử dụng khu rừng cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long; đặt tên cho các hòn đảo chưa có tên; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; chương trình theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; nâng cấp khu rừng lên Vườn quốc gia Vịnh Hạ Long...
Ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Các hoạt động được triển khai để phát triển Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long sẽ trọng tâm thực hiện đồng bộ cả việc sưu tầm và bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, nghiên cứu và phát triển các loài. Đây cũng là điểm nổi bật so với các Khu rừng đặc dụng khác trong cả nước.
Từ định hướng cụ thể này, chắc chắn trong thời gian tới, Khu rừng sẽ thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch sinh thái gắn với giáo dục bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên - kỳ quan thế giới. Về dài hạn, sẽ xây dựng Khu rừng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long thành Vườn Quốc gia gắn với quản lý rừng bền vững, cung cấp các dịch vụ du lịch, tham quan, học tập cho các nhà khoa học, cơ sở giáo dục.
Viên Minh