Việt Nam nằm ở top đầu thế giới về mức độ bao phủ vắc-xin tăng cường Tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm Triển khai sử dụng vắc xin dịch tả lợn châu Phi rộng rãi trên toàn quốc |
Vaccine 5 trong 1 được tiêm miễn phí cho trẻ. |
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Viện vừa chuyển 500.000 liều vắc-xin 5 trong 1 tới các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trên cả nước.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận và có kết quả kiểm định vắc-xin 5 trong 1 Viện đã ký quyết định phân bổ 500.000 liều tới các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực trên cả nước từ ngày 16/4.
Sau khi nhận được số vắc-xin này, các Viện khu vực sẽ điều phối và phân bổ vắc-xin theo nhu cầu của mỗi địa phương trong khu vực phụ trách.
Số vắc-xin 5 trong 1 này sẽ sớm được chuyển tới các địa phương để triển khai tiêm chủng thường xuyên và tiêm bù cho các bé chưa được tiêm chủng đầy đủ 3 liều vắc-xin 5 trong 1.
Được biết, số vắc-xin 5 trong 1 này đủ để tiêm cho trẻ trong 2 tháng tới. Đây là số vắc-xin nằm trong 2,8 triệu liều vắc-xin 5 trong 1 mà Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện thủ tục mua sắm đấu thầu trong Quý 1/2024.
Bộ Y tế sẽ liên tục cung ứng vắc-xin này trong các đợt tiếp theo, tới các địa phương, đảm bảo ổn định nguồn cung vắc-xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên năm nay.
Theo các chuyên gia việc tăng cường tiêm vắc-xin cho trẻ trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh đang có xu hướng tăng là biện pháp hiệu quả nhằm chống dịch.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo.
Theo GS-TS.Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cần phải triển khai quyết liệt phòng, chống dịch truyền nhiễm, tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Đại diện Bộ Y tế cho hay, trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi vắc-xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin.
Đặc biệt đối với bệnh sởi, ho gà thường tăng ca mắc từ 3 đến 5 năm. Do vậy, thời gian tới, nếu không có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt thì có thể bùng phát số ca mắc các căn bệnh này.
Về giải pháp phòng bệnh theo ông Lân, chúng ta phải nói đến sự ưu việt của việc tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho trẻ. Bởi khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt như mong muốn thì lập tức sẽ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm là rất rõ. Các giải pháp hàng đầu đối với bệnh này phải là vắc-xin.
Như vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát đầy đủ trẻ chưa đủ mũi tiêm phải tiêm ngay. Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo đối với tiêm vắc-xin ho gà (có trong thành phần vắc-xin 5 trong 1) trong tháng 4 này và cũng đã hướng dẫn các tỉnh rà soát đối tượng, lên kế hoạch để tiêm ngay khi vắc-xin phân bổ về địa phương. Một vấn đề nữa là làm thế nào để phát hiện sớm các ca bệnh.
Liên quan đến vắc-xin 5 trong 1, khoảng gần cuối tháng 12/2023 từ nguồn vắc-xin 5 trong 1 do Chính phủ Úc tài trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cấp vắc-xin 5 trong 1 đủ tiêm chủng cho khoảng 150.000 cháu.
Vắc-xin này sẽ được ưu tiên sử dụng tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi sau đó có thể sử dụng tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi.
Vắc-xin DPT-VGB-Hib (SII) hay còn gọi là vắc-xin 5 trong 1 là vắc-xin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, đối tượng trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này và ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển của trẻ, thậm chí là tử vong.