Lợn Táp Ná – tên gọi một giống lợn địa phương ở tỉnh Cao Bằng và một số tỉnh lân cận thuộc vùng núi phía Bắc. |
Người đưa con lợn đen bản địa giúp người nuôi lợn ở xã Trần Phú (huyện Na Rì, Bắk Kạn) ngày càng khấm khá là anh Phan Văn Tuân. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng kinh tế, anh Phan Văn Tuân, thôn Nà Sát, xã Trần Phú (Na Rì) đã mang kiến thức về quê khởi nghiệp và thành công áp dụng kỹ thuật hiện đại vào phát triển chăn nuôi ở địa phương.
Nhận thấy tiềm năng đất đai rộng lớn và nguồn cây cỏ phong phú, nên anh lựa chọn nuôi lợn từ nhiều năm nay. Mô hình của anh nuôi giống lợn đen bản địa, chăn nuôi theo hình thức bán hoang dã, thức ăn chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp như rau, bỗng rượu và một số loại thảo dược khác.
Phan Văn Tuân cho biết, cuối năm 2020, với sự giới thiệu của một chuyên gia chăn nuôi ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh mạnh dạn nhập hơn 100 con lợn đen Táp Ná có nguồn gốc từ Cao Bằng, do Công ty TNHH ứng dụng và phát triển Trang Ninh trụ sở tại Ninh Bình cung cấp, là trang trại chuyên bảo tồn nguồn gen giống, lợn phát triển nhanh, sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Trang trại nuôi lợn đen bản địa của anh Phan Văn Tuân. |
Tuy nhiên, lại một lần nữa vấp phải dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn đang lành lặn cũng phải bán tháo 40 con lợn nái mỗi con bán 1 triệu đồng, hàng trăm con lợn con bán 300.000 đồng/con, trong khi bình thường mỗi con lợn giống khoảng 10kg bán ít nhất cũng có giá 1,8 triệu đồng.
Vượt qua cơn bão dịch lợn tả châu Phi, không nản chí, anh Tuân lại tiếp tục đầu tư lợn đen Táp Ná, chấp nhận mua 1 con lợn giống với giá hơn 4 triệu đồng. Giờ đây, trang trại đang có trên 100 con, trong đó có 60 lợn nái đủ cung cấp nguồn giống để gia đình, các thành viên và liên kết với các hộ dân nhân rộng.
Anh Tuân cho biết, trung bình trang trại có khoảng 200 con, cao điểm có thể lên đến 300 con lợn đen bản địa. Đặc tính của giống lợn này là có sức đề kháng cao, ít bệnh tật nên có thể chăn nuôi bán hoang dã, từ đó chất lượng thịt ngon, được khách hàng rất ưu chuộng.
“Hiện giá lợn hơi thấp, nhưng riêng lợn đen bản địa của trang trại vẫn bán từ 80.000 đến 85.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi giá lợn lai bình thường. Riêng thời điểm gần Tết giá có thể lên đến 110.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ chăn nuôi lợn bản địa vẫn cao hơn nuôi lợn lai. Hiện nay khách hàng ở nhiều tỉnh thành đến mua nhưng trang trại không đủ cung cấp”, anh Tuân chia sẻ.
Không chỉ nuôi lợn đen bản địa, anh Tuân còn nuôi gà Lạc Thủy và liên kết hỗ trợ các hộ nuôi tại địa phương. |
Theo kinh nghiệm của anh Tuân, quan trọng nhất đối với chăn nuôi lợn bản địa là phải chọn địa điểm có khí hậu mát mẻ, trong lành, nguồn thức ăn sạch. Hiện sản phẩm lợn đen bản địa của trang trại anh Phan Văn Tuân đã được cấp chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đây chính là “bảo bối” để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài số lợn trong trang trại, anh Tuân còn thành lập HTX Trần Phú, liên kết với hàng chục hộ chăn nuôi lợn bản địa ở trong xã. Các hộ thành viên được cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật, toàn bộ sản phẩm được HTX bao tiêu với giá cạnh tranh nhất.
Hiện HTX đang liên kết với 30 hộ nuôi lợn đen Táp Ná ở các địa phương trong huyện và bắt đầu có sản phẩm bán ra thị trường. HTX cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và giúp tiêu thụ sản phẩm nếu các hộ dân có nhu cầu. Chỉ tay ra những triền đồi bát ngát quanh khu trang trại, anh Tuân cho biết sẽ mở rộng nuôi lợn đen Táp Ná, liên kết với nhiều hộ dân để đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho thị trường, vì hiện nay sản phẩm cung không đủ cầu.
Với hình thức chăn thả dân dã, việc chăn nuôi giống lợn đen địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Lợn Táp Ná – tên gọi một giống lợn địa phương ở tỉnh Cao Bằng và một số tỉnh lân cận thuộc vùng núi phía Bắc. Đây là giống lợn phàm ăn, ăn khỏe, kể cả thức ăn nghèo dinh dưỡng. Mặc dù ăn "kham khổ", nhưng chất lượng thịt lợn Táp Ná rất thơm ngon, đã trở thành thịt lợn đặc sản, với giá bán đắt.
Hiện nay, hàng trăm con lợn đen Táp Ná đang được anh nuôi theo phương thức sử dụng men vi sinh lên men để ủ bã đậu, bã bia và một số loại thảo dược. Mục tiêu của anh là tích cực tham gia các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức trong và ngoài tỉnh; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; thường xuyên khảo sát nhu cầu của các đối tác lâu năm để phát triển. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm gà OCOP. Anh mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ HTX mở rộng vùng sản xuất và tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển HTX./.