Tin bất ngờ, tại Nghệ An đã nuôi thành công chạch lấu, mỗi kg giá gần nửa triệu Nuôi loài cá được ví như nhân sâm nước, lão nông Tây Ninh thu lợi nhuận gần 400 triệu mỗi năm |
Chạch lấu là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao được ví như nhân sâm dưới nước. |
Bỏ nuôi cá tra chuyển sang chạch lấu lợi đôi đường
Ông Đoàn Văn Lợi (ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) phấn khởi khi mô hình nuôi chạch lấu đang cho hiệu quả kinh tế cao. Loài thủy sản này dễ nuôi, mau lớn nhu cầu thị trường cao. Đặc biệt người nuôi chạch lấu còn được hỗ trợ về vốn và con giống.
Ông Đoàn Văn Lợi chia sẻ, thấy nhiều người nuôi cá chạch lấu hiệu quả nên ông cũng nuôi thử nghiệm. Với diện tích mặt nước khoảng 700m2, từ đầu tháng 6-2021 đến nay, ông tiến hành thả nuôi 1.250 con cá chạch lấu giống.
Thỉnh thoảng, cán bộ kỹ thuật xuống thăm, hướng dẫn cách pha trộn thức ăn, canh lượng ô-xy trong ao. Cá chạch lấu rất dễ nuôi do chúng háu ăn nên nhanh lớn, nhưng khi thiếu ô-xy cá sẽ không chịu nổi.
"Về nguồn vốn đầu tư, tôi được Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn hỗ trợ chi phí mua giống và 30% chi phí thức ăn tính đến cuối vụ. Tôi cố gắng nuôi đến khi cá khoảng 8-9 tháng tuổi, đạt trọng lượng từ 250gr trở lên là có thể xuất bán hoặc đợi cá đạt trọng lượng khoảng 400-500gr sẽ được thu mua với giá cao hơn” ông Lợi cho biết thêm.
Rút kinh nghiệm từ lần nuôi cá tra bột bị thua lỗ, lần này, ông Lợi tính toán kỹ hơn trong khâu chăm sóc, cách thức cho cá ăn để tiết kiệm chi phí.
Cá chạch lấu nuôi tại mô hình nuôi cá chạch lấu của nông dân xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. |
Ông Lợi cho hay, khâu quan trọng trong nuôi thủy sản vẫn là xử lý ao cho kỹ, lựa chọn giống tốt, trong quá trình nuôi nên canh lượng thức ăn vừa phải, nếu cho cá ăn ít quá sẽ chậm lớn, còn nhiều quá sẽ dư thừa thức ăn dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.
Khi quen việc thì nuôi cá trở nên nhẹ nhàng hơn, có thể kết hợp làm việc khác khi rảnh rỗi. Theo ông Lợi, vất vả nhất vẫn là khâu thu hoạch.
Tuy nhiên, thương lái sẽ lấy cá chạch lấu theo kích cỡ chuẩn nên việc thu hoạch diễn ra nhiều đợt. Vì thế, giá cá chạch lấu sẽ dao động theo nhu cầu thị trường, có khi từ 220.000-240.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng tăng đến 290.000-300.000 đồng/kg.
Là người có kinh nghiệm trong nuôi cá chạch lấu tại địa phương, ông Nguyễn Tấn Khởi (ngụ ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận) đã tính toán được lợi nhuận cụ thể.
Ông Khởi chia sẻ: “Với diện tích ao nuôi 1,4ha, thả nuôi 28.000 con giống, sau thời gian nuôi từ 8-12 tháng, tôi bắt đầu thu hoạch. Cộng dồn lại nhiều đợt, đã thu hoạch được tổng cộng 4 tấn. Với giá bán dao động từ 210.000-240.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư sản xuất 1kg cá thành phẩm từ 150.000-160.000 đồng/kg, tôi đạt lợi nhuận từ 50.000-60.000 đồng/kg”.
Nuôi chạch lấu chủ động thời điểm xuất bán không lo dội chợ
Ông Khởi cho biết, cá chạch lấu nuôi khoảng 8-9 tháng có thể xuất bán nhưng để cá đạt chất lượng tốt nhất phải nuôi khoảng 12 tháng, lúc đó sẽ có giá bán cao hơn.
Cá chạch lấu dễ nuôi, mang đến nguồn thu nhập cao, chỉ cần đảm bảo chất lượng nguồn nước và nhiệt độ trong ao nuôi. Song, chất lượng cá giống khi thả nuôi rất quan trọng. Tốt nhất là khi thả nuôi, cá giống đạt khoảng 300-500 con/kg.
“Theo tôi, cá chạch lấu nuôi không khó, quan trọng là người nuôi nắm vững kỹ thuật xử lý ao đất ban đầu để tránh tình trạng bị hao hụt. Đây là loại cá ít bệnh nên người nuôi đỡ vất vả” - ông Khởi nhiệt tình chia sẻ.
Theo ông Khởi, công đoạn trước khi thả nuôi là phải vệ sinh đáy ao sạch sẽ. Cần tát cạn ao và nạo vét hết lớp bùn đáy dưới ao, bón vôi khử trùng với số lượng từ 7-10kg/100m2 mặt ao. Sau đó, phơi đáy ao từ 2-3 ngày mới cấp nước vào ao qua lưới lọc. Sau khi vệ sinh, bơm nước vào, cần chờ cho nhiệt độ trong ao ổn định, khoảng 6 ngày sau mới thả cá vào nuôi.
Trong quá trình nuôi cá chạch lấu, lượng ô-xy trong ao rất quan trọng. Vì vậy, cần có máy sục khí hoặc quạt nước để tăng cường ô-xy cho cá.
Kiểm tra ao vào buổi sáng trong lúc cho cá ăn, nếu phát hiện các hiện tượng bất thường của cá và môi trường nuôi thì cần tiến hành xử lý ngay, tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Với cá nhỏ, người nuôi cần cho ăn 2 lần/ngày.
Khi cá chạch lấu lớn, chỉ cần cho ăn 1 lần/ngày. Trong môi trường nuôi ao đất, ông Khởi cho cá ăn thức ăn công nghiệp là chủ yếu. Dù vậy, theo đánh giá của thương lái, thịt cá chạch lấu vẫn dai, thơm và không bị hôi rong.
Ông Nguyễn Tấn Khởi, ngụ ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận đang chăm sóc cá chạch lấu nuôi trong ao đất. |
Tương tự, ông Hà Thanh Bay (ngụ ấp Hòa Tây B) đang thả nuôi 40.000 con cá chạch lấu giống, với diện tích ao nuôi 1,8ha.
Ông Bay đã thu hoạch đợt đầu được 2 tấn, còn nhiều đợt còn lại ông Bay hy vọng sẽ bán giá cao hơn. Không chỉ nuôi cá chạch lấu thương phẩm, ông Nguyễn Bá Sang (ngụ ấp Hòa Tây B) còn đầu tư ương cá giống.
Ông Sang đang tạo dựng diện tích trại ương 300m2 thả nuôi 70kg cá chạch lấu bố mẹ. Sau 3-4 tháng nuôi vỗ cá bố mẹ thì tiến hành cho sinh sản.
Mỗi năm, trại ông Sang sản xuất khoảng 80.000-100.000 con cá chạch lấu giống, đạt kích cỡ đạt 10cm/con, bán với giá cá chạch lấu giống là 4.000-5.000 đồng/con cho các hộ nuôi mới, phát triển diện tích nuôi tại địa phương và vùng lân cận.
Đánh giá về hiệu quả mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Phú Thuận là một trong những xã khó khăn của huyện Thoại Sơn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do diện tích sản xuất lúa không đáng kể, các mô hình nuôi trồng thủy sản trước đây chịu nhiều tác động do thay đổi nhu cầu thị trường và nhiều lý do khác. Nay, địa phương tập trung phát triển vào các mô hình phát huy hiệu quả kinh tế bền vững, trong đó có mô hình nuôi cá chạch lấu.
"Qua thời gian, một số hộ nuôi chạch lấu đã đạt được lợi nhuận khá cao. Thông qua các chương trình hỗ trợ, địa phương sẽ tiếp tục hướng dẫn để những nông dân đam mê có thể tiếp cận mô hình, tạo nên nguồn thu nhập bền vững hơn, góp phần phát triển đời sống kinh tế của người dân vùng nông thôn”, ông Khánh cho hay./.