Giá sầu riêng tăng mạnh nhưng đầu ra còn nhiều điều đáng lo Sầu riêng mất "ngôi vương" xuất khẩu, đâu là nguyên nhân? Xuất khẩu sầu riêng tiếp tục gặp khó, nhà vườn lao đao |
![]() |
Thời gian gần đây, giá sầu riêng liên tục giảm sâu khiến người trồng lo lắng. |
Giá sầu riêng lao dốc
Giá sầu riêng tại ĐBSCL tiếp tục giảm, thời điểm ngày 19/4, tại TP Cần Thơ, Hậu Giang, giá sầu riêng Ri6 chỉ còn 30.000 – 35.000 đồng/kg, giảm 5.000 – 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 4, còn sầu riêng giống Monthong (Thái) từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, giá bán này chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Anh Phong - nông dân sở hữu nửa ha sầu riêng tại Tiền Giang - đang "đứng ngồi không yên" khi mùa thu hoạch bước vào chính vụ. Dù trái đã đủ ngày hái, thương lái vẫn không mặn mà thu mua. Đặt cọc từ hơn tháng trước với mức 60.000 đồng một kg, anh lo họ bỏ cọc vì giá liên tục giảm sâu.
"Hiện tôi chỉ còn cách bán lẻ cho tiểu thương để họ tiêu thụ nội địa với giá khoảng 45.000 đồng một kg dành cho loại đẹp", anh Phong chia sẻ.
Tương tự, ở các khu vực chuyên canh sầu riêng như Tiền Giang, Cần Thơ hay Bến Tre, giá thu mua Ri6 tại vườn chỉ còn 35.000-40.000 đồng một kg. Trong khi đó, sầu riêng Monthong (Thái) cũng giảm sâu, dao động 60.000 đến 70.000 đồng một kg. Mức giá này bằng khoảng một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều vựa đã ngưng hoạt động, số còn lại chỉ thu mua nhỏ giọt để phục vụ thị trường nội địa.
Ông Minh Thái, thương lái lâu năm tại Tiền Giang, cho biết năm ngoái mỗi ngày gom tới 30 tấn sầu riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng từ tháng 3 năm nay, đơn hàng xuất khẩu đột ngột dừng lại, khiến ông chỉ còn thu mua khoảng 3-4 tấn Ri6 mỗi ngày cho các bạn hàng trong nước.
Không riêng gì ông Thái, nhiều thương lái ở miền Tây cũng tạm nghỉ vì sợ thua lỗ. Họ kể có khi đến tận vườn thương lượng giá, cắt trái, thuê nhân công và chở về kho nhưng đến nơi công ty thu mua lại siết chặt kiểm tra, từ mẫu mã đến dư lượng thuốc. Giá mua tại kho chỉ cao hơn giá tại vườn khoảng 10.000 đồng mỗi kg, khiến thương lái gần như không có lời.
"Không đi gom hàng thì mất thu nhập, mà đặt cọc cứ thấp thỏm vì chẳng biết mai giá còn giữ được không", một thương lái ở Tiền Giang chia sẻ.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, giá sầu riêng giảm mạnh là do Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam siết chặt quy trình kiểm soát từ đầu năm.
“Trung Quốc không chỉ yêu cầu kiểm định chất lượng về kim loại nặng như Cadimi và chất vàng O, một chất vốn có nguy cơ gây ung thư, mà còn tăng tỷ lệ kiểm tra từ 10% lên 100% mỗi lô hàng.
Không chỉ khắt khe, thời gian kiểm định kéo dài khiến hàng hóa bị tồn kho tại cửa khẩu. Có lô vượt qua kiểm tra nhưng khi tới chợ đầu mối Trung Quốc đã hư hỏng, nứt trái do thời gian chờ quá lâu. Đây là lý do các doanh nghiệp e ngại rủi ro và không dám xuất hàng số lượng lớn", ông Nguyên cho biết.
Giải pháp bền vững
![]() |
Vườn trồng sầu riêng theo hướng VietGAP. Ảnh Báo Đồng Nai |
Hiện diện tích sầu riêng của Việt Nam khoảng 150 – 170.000 ha, trong đó hơn 70% diện tích đã cho trái, tổng sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn trở lên. Các địa phương trồng nhiều như Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai.
Trước việc giá sầu riêng thấp khiến người trồng lo lắng, ngày 19/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các phần việc hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm soát chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu niên vụ 2025.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ cử các trung tâm phân tích trực thuộc, được chỉ định bởi Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ Lâm Đồng kiểm tra chất lượng sản phẩm sầu riêng xuất khẩu trong niên vụ 2025.
Đơn vị cũng đang nghiên cứu việc thành lập chi nhánh của các đơn vị phân tích tại địa phương nhằm thuận tiện cho công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm. Các chi nhánh này sẽ hoạt động theo cơ chế xã hội hóa, phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng giao Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp nhận, đánh giá và chỉ định các phòng kiểm nghiệm thực phẩm.
Đến nay, tổng cộng có 49 phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Trong đó 15 đơn vị kiểm nghiệm Vàng Ô và 33 đơn vị kiểm nghiệm Cadimi trong nông sản.
Danh sách các phòng kiểm nghiệm, bao gồm kiểm nghiệm Cadimi và Vàng Ô trong mít và sầu riêng, đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo rộng rãi tới các chủ hàng và cơ sở bao gói trên toàn quốc.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng doanh nghiệp cần có giải pháp bảo quản, chống nấm sau thu hoạch như Thái Lan để yên tâm xuất khẩu, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành rau quả. Đồng thời, cần kiểm soát chất lượng từ gốc theo quy định mới.
Bà Nguyễn Thái Huyền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Nông Phát (Đắk Lắk) chuyên tư vấn chăm sóc vườn sầu riêng, nhấn mạnh chỉ có nâng cao chất lượng mới giúp sầu riêng Việt Nam xây dựng thương hiệu và đứng vững trên thị trường, nhất là khi phải cạnh tranh với hàng từ Lào, Campuchia. Theo bà, để làm được điều này, cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, DN và nông dân, tránh sản xuất manh mún.
![]() |
![]() |
![]() |