![]() |
Hoa mai vàng Yên Tử |
Khác với hoa mai vàng Nam Bộ nở vào dịp Tết Nguyên đán, mai vàng Yên Tử nở rộ vào tiết Thanh minh – tháng 3 âm lịch hằng năm.
Nguồn gốc của loại cây quý này đến nay còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, mùa mai vàng nở rực rỡ trên núi Yên Tử đã trở thành cảnh quan huy hoàng mà bất cứ ai cũng muốn chiêm ngưỡng, thưởng lãm.
Tương truyền vào thế kỷ XIII, sau khi Đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, ngài đã cùng các phật tử trồng một cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, những cây mai trên núi Yên Tử đã được các phật tử phân nhánh và trồng thêm, trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn. Có những cây cao hơn 15m, thân gân guốc, đường kính tới 60-70cm, sinh trưởng mạnh mẽ trên các vách đá cheo leo. Có những cây mai nằm ở những địa thế hiểm trở chỉ có thể đã được phát tán và sinh trưởng theo cách tự nhiên.
Rừng mai vàng Yên Tử đã trở thành biểu tượng của tinh thần nhập thế trong Thiền phái Trúc Lâm. Ở đó, con người có thể nương tựa và dựa vào thiên nhiên để tìm được sự an nhiên trong tâm hồn.
Cây mai Yên Tử khác với nhiều loài mai vàng phổ thông, mức độ phân bố hoa nhiều hơn trên một cành. Hoa có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh khiết. Đặc biệt, cũng sắc vàng, nhưng mai vàng Yên Tử có màu vàng sáng, hơi ngả sang màu vàng lục non, bông hoa to với 5 cánh xòe rộng, lộc cây và lá mới nhú màu xanh chứ không đỏ. Đặc biệt, cây hợp với khí lạnh và sương mù. Trời càng lạnh, hoa càng tỏa hương nồng. Ngày cuối xuân Yên Tử, cả rừng hoa nở rộ. Nhìn xa như tấm áo cà sa vàng rực phủ lên non thiêng, mang vẻ đẹp huyền hoặc của chốn tâm linh gắn với Thiền phái Trúc Lâm.
Hiện nay, rất nhiều hộ dân ở xung quanh ngoại vi núi Yên Tử đều say mê trồng mai vàng. Tết hằng năm qua đi, các hộ dân tiếp tục trồng lại những cây mai vàng đã nở hết hoa và ươm tiếp những hạt cây để giữ nguồn gen quý của Việt Nam.
Người dân đã góp phần bảo tồn cây một cách rất tự nhiên. Chính họ cũng sẽ có vai trò chính trong việc bảo tồn rừng mai quý có giá trị về kinh tế cũng như đời sống tâm linh nơi đất Phật, làm đẹp cảnh quan vùng non thiêng.
![]() |
Ông Phương chăm sóc những gốc mai ươm đạt 2-3 năm tuổi |
Ông Nguyễn Trọng Phương, xã Bình Khê, TX Đông Triều (Quảng Ninh) là là một trong những người đi tiên phong và cũng được coi là tỷ phú bởi sở hữu một "kho tàng" đồ sộ giống mai vàng Yên Tử. Người ta phục, nể ông có lẽ là bởi sự hiểu biết, đam mê với giống mai quý này.
Ông Phương "chơi" mai vàng từ những năm 2004 khi thấy hoa đẹp, ban đầu thử mang cành về cắm chơi Tết. Giống mai Yên Tử vốn có hoa to, sai hoa nên chỉ một cành to bằng ngón chân cái là đã cho hoa nở rất rực rỡ. Thấy loài hoa này ngày càng có nguy cơ cạn kiệt, ông mới có ý tưởng mang về trồng để mai sống, nghiên cứu cách kích hoa nở chơi dịp Tết. Nhờ nhiều năm nghiên cứu, nắm được kỹ thuật chăm bón, kích hoa nở, ông bắt đầu sưu tầm, mua lại rồi hồi sinh những gốc mai già.
“Mai rừng có sức sinh trưởng bền bỉ nhưng để hồi sinh những cây phôi, vốn là gốc mai bị đốn chặt hết cành, trơ gốc, không hề đơn giản. Trước tiên, phải thuần giống, trồng dưới đất để dưỡng, kích cây sao cho cây tích được chất, nước ở bộ rễ, đâm thân cành to khỏe…
Thời gian đầu trồng phải giữ lộc xuân thật tốt, xử lý sâu đục thân, ưu tiên dọn sạch những mầm, cành mọc sau... Mai là cây trực xạ, cần chia đều tán để đón ánh sáng mặt trời. Quá trình hồi sinh phôi mất cả năm thậm chí vài năm trời", ông Phương cho biết.
Để cây mai đẹp, nở đúng Tết, ông Phương còn nghiên cứu thành công cách ủ nhiệt bằng nhà kính, thắp bóng sợi đốt. “Có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã từng phải trả giá đắt. Lần đầu làm, tôi đã làm cháy hết lá, hoa của 20 cây phôi kỳ công hồi sinh, toàn bộ gia tài sưu tầm được lúc đó, trị giá hơn 300 triệu đồng "cháy" theo mai. Tôi lại phải kỳ công kích lại 20 gốc mai. Tiếc đứt ruột!”, ông Phương vừa cười vừa kể.
Nhờ dày công trong suốt gần 20 năm qua, nay ông Phương đã có vườn mai chừng... 2.000 gốc. Ngoài được ghép, ươm giống, vườn ông còn có nhiều gốc mai quý hàng trăm tuổi được khách đặt mua trên dưới 1 tỷ đồng.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Tiến dày công vun chấu, ủ chăn giữ ấm, ẩm để gìn giữ, hồi sinh những gốc mai cổ quý giá |
Khác với ông Phương, anh Nguyễn Văn Tiến xã Bình Khê, TX Đông Triều (Quảng Ninh) bén duyên với mai vàng Yên Tử muộn hơn. Mê ngay từ lần đầu hiểu về giống quý này, anh Tiến giành hẳn tài sản lớn tích cóp để mua 40 cây mai, trong đó có nhiều cây phôi khó hồi sinh.
Anh Tiến cho biết: “Mai tuy có sức sống mãnh liệt nhưng trải qua nhiều lần chặt phá, chỉ còn phần gốc. Nhiều cây sưu tầm về như cây củi khô, chỉ còn vài dễ cọc to hơn bắp đùi, các dễ khác đều bị cắt, hồi sinh rất khó. Bỏ cả tài sản lớn lúc đó để mua, nhiều người nói tôi gàn, phí tiền, vô ích”.
Ngoài học hỏi kinh nghiệm chăm bón cây, để hồi sinh cây “phôi”, anh còn thuê hẳn một mảnh vườn, bỏ... nhà cửa, vợ con ra ăn ngủ ở chòi dõi theo từng bước sinh trưởng của mai. Tiến còn được gọi vui là "nhà sưu tập chăn rách” để mang về ủ ấm, giữ ẩm cho cây. Chỉ trong 3 năm nhờ đam mê, tỉ mỉ, Tiến đã hồi sinh hàng chục gốc mai quý. Cho tới nay, Tiến đã có cho mình một vườn mai với hàng trăm cây, trong đó có nhiều gốc mai giá trị.