Vì sao Nấm Bào Ngư được tin dùng?
|
Trên thị trường đang có rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, tốt cho sức khỏe. Một trong những thực phẩm được đánh giá cao về chất lượng, giá trị dinh dưỡng, được nhiều chuyên gia khuyên dùng chính là Nấm Bào Ngư. Hương vị của nấm được miêu tả có mùi nhẹ tương tự như hồi, tươi ngon nhất khi còn non và trở nên cứng rắn, vị chát khi già.
Nấm được nhiều người tin tưởng sử dụng vì những nguyên nhân sau:
Thực phẩm sạch, tươi ngon
Nấm Bào Ngư chính là một loại thực phẩm sạch, tươi ngon. Nhiều người ví loại nấm này vừa là thịt, vừa là rau xanh, cung cấp dưỡng chất tốt cho cơ thể.
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, nấm được phục vụ như một món ăn thường xuyên. Trong các món súp, lẩu hoặc công thức nấu ăn xào với nước tương đều có sự có mặt của nấm. Khi thì chế biến nấm thành nước sốt, khi thì xào, khi thì chiên. Tất cả đều là những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.
Món ăn ngon cho cả gia đình
Nấm Bào Ngư có hương vị ngọt, tươi ngon, thích hợp dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Bạn có thể kết hợp nấm cùng các thực phẩm khác như thịt lợn, bò, gà hay hầm cùng rau củ. Việc kết hợp cùng các thực phẩm khác vừa mang lại hương vị ngon hơn, vừa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người dùng.
Công dụng của Nấm Bào Ngư đối với sức khỏe
|
Giảm nồng độ mỡ trong máu: Công dụng tự nhiên này của nấm bào ngư đã được chứng minh trên các nghiên cứu ở động vật và ở người. Ðơn cử, một nghiên cứu trên động vật cho thấy nấm bào ngư giúp làm giảm 37% lượng cholesterol xấu và giảm 45% chất béo trung tính (triglyceride) - hai loại mỡ trong máu làm tăng nguy cơ cao huyết áp, xơ vữa động mạch liên quan đến bệnh tim. Ngoài ra, nấm bào ngư còn là nguồn thực phẩm bổ sung tốt về chất xơ, vốn có tác dụng cải thiện sức khỏe tim và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tăng cường hệ miễn dịch: Nấm bào ngư chứa các chất chống ôxy hóa như selenium - giúp bảo vệ tế bào khỏi những thương tổn có thể dẫn đến các bệnh mãn tính, do đó, cũng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Theo một nghiên cứu năm 2017, nấm bào ngư cũng chứa các hợp chất hoạt động như thuốc điều hòa hệ miễn dịch, giúp nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể trước bệnh tật.
Cải thiện chức năng não: Nấm bào ngư rất giàu niacin (vitamin B3), dưỡng chất quan trọng được chứng minh giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer) và suy giảm nhận thức do tuổi tác.
Giảm viêm: Mặc dù viêm là phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh, nhưng viêm mãn tính dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nấm bào ngư chứa các thành phần kháng viêm mạnh, giúp kiểm soát hiệu quả tình trạng viêm.
Kiểm soát đường huyết:Các nhà nghiên cứu phát hiện nấm bào ngư rất giàu β-glucans, một loại chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng cải thiện nồng độ glucose trong máu nên cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Hạ huyết áp: Cũng nhờ chứa β-glucans, nấm bào ngư được chứng minh là có công dụng làm giảm huyết áp một cách tự nhiên.
Ðẩy lùi các gốc tự do gây hại:Một số nghiên cứu ghi nhận nấm bào ngư có chứa các chất chống ôxy hóa, nên có thể giúp cơ thể chống lại các gốc tự do gây hại và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Ức chế ung thư: Nấm bào ngư cũng sở hữu các hợp chất có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế cho thấy loại nấm này có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư vú và ruột kết. Còn theo một nghiên cứu khác, chiết xuất từ nấm bào ngư có tác dụng chống lại các tế bào khối u đại trực tràng và bệnh bạch cầu (ung thư máu).
Ngoài nấm tươi, thực phẩm này còn được chế biến với hình thức sấy khô hoặc đóng hộp, dễ dàng kết hợp vào các món ăn. Lưu ý, những người bị dị ứng với các loại nấm cần tránh tiêu thụ nấm bào ngư. Ngoài ra, do có chứa một lượng nhỏ arabitol - một loại rượu đường, nên nấm bào ngư cũng có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa ở số ít người dùng.
Những lưu ý khi sử dụng nấm bào ngư
|
Nấm bào ngư có đặc tính hút nước và chất lỏng. Việc cho quá nhiều dầu ăn khi xào nấm sẽ làm cản trở quá trình hấp thu dưỡng chất của nấm vào cơ thể. Điều này có thể khiến bạn bị chướng bụng, khó tiêu và nghiêm trọng hơn là mắc chứng trào ngược dạ dày.
Khi nấu nấm ở nhiệt độ thấp, nấm sẽ ra khá nhiều nước làm món ăn mất đi hương vị, màu sắc và thẩm mỹ của món ăn. Do đó, khi chế biến nấm thành các món ăn, bạn nên nấu chúng ở nhiệt độ cao để làm tăng độ ngon của nấm.
Khi nấu trong nồi hoặc chảo nhôm, các hoạt chất trong nấm sẽ tác dụng với nhôm, làm nấm bị chuyển sang màu thâm đen. Điều này làm cho món ăn mất đi tính thẩm mỹ của món ăn. Vì vậy, khi nấu nấm bạn không nên sử dụng những vật dụng làm từ nhôm.
Bạn cần nấu nấm bào ngư trong khoảng 5-10 phút để nấm chín tuyệt đối, đảm bảo vệ sinh và không gây hại cho cơ thể. Vì nếu như nấm chưa chín hoàn toàn, những chất hoặc vi khuẩn có trong nấm chưa được tiêu diệt sẽ gây ra những tác dụng phụ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Theo y học cổ truyền, nấm bào ngư có tính mát, vị ngọt. Nếu bạn dùng nhiều nấm và kết hợp với các thức ăn có tính hàn trong thời gian dài sẽ gây lạnh bụng, khó tiêu, tiêu chảy.
Người có thể trạng yếu, hay bị đầy bụng, đi ngoài phân lỏng,… không nên sử dụng loại nấm bào ngư. Ngoài ra, khi ăn nấm sò bạn cũng nên hạn chế các đồ uống lạnh như: trà đá, cà phê đá hay các đồ uống giúp hạ nhiệt,… để tránh bị đau bụng.