Rau lang
Nếu củ khoai lang được coi là "nhân sâm giá rẻ" với vô số lợi ích sức khỏe thì rau khoai lang cũng rất bổ dưỡng nhưng ít người biết. So với củ khoai lang, phần ngọn, lá rau lang có nhiều vitamin B6 gấp 3 lần, vitamin C gấp 5 lần và vitamin B gấp 10 lần, theo một nghiên cứu đăng trên HortScience.
Ngoài chứa chất chống oxy hóa dồi dào, giàu vitamin C, A, K, vitamin B1, B2, B3, axit folic, rau lang còn giàu chất xơ và chất dinh dưỡng hơn hẳn nhiều loại rau khác.
So với các loại rau khác, rau lang cung cấp lượng chất sắt, canxi, caroten hàng đầu. Ngoài ra, rau khoai lang cũng giàu vitamin B, kẽm và protein. Một số nghiên cứu cho thấy lá khoai lang chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng chẳng kém rau bina (rau chân vịt) - loại rau được coi "vua rau".
Dưới đây là một số lợi ích đáng kể của rau lang với sức khỏe: Giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan và ung thư dạ dày; Giúp giảm lo âu, stress, trầm cảm; Hỗ trợ giảm cân; Chống ung thư, kháng viêm; Giảm và chữa táo bón; Tăng cường khả năng miễn dịch và phòng ngừa các bệnh lây truyền.
Phần lá, ngọn rau lang non có thể luộc, xào tỏi cùng nước tương hay nấu canh đều dễ ăn.
Cải xoong
Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Julia Zumpano, nhiều người không thích cải xoong vì cho rằng loại rau này nhạt nhẽo nhưng thực sự loại rau họ cải này rất tốt cho sức khỏe.
Một số nghiên cứu cho thấy, rau cải xoong giàu tiềm năng giảm các chất gây ung thư khi hút thuốc, đánh bay các dấu hiệu mới ung thư vú, giúp giảm căng thẳng thể chất do tập luyện.
Nghiên cứu năm 2014 còn khẳng định, cải xoong đứng trong top các loại rau giàu chất chống oxy hóa.
Cách dùng: Cải xoong giòn, vị nhạt, hương nhẹ, có thể xào tỏi, chần qua và thêm vào các món trộn.
Rau dền
Rau dền thường có nhiều vào mùa hè, có tác dụng mát gan, thanh nhiệt. Có nhiều loại rau dền như: dền cơm, dền đỏ, dền gai, dền trắng… Loại rau dền đỏ có lá lớn, thân mọng nước, chứa nhiều protid, glucid, một số loại vitamin và chất khoáng. Hàm lượng chất sắt trong rau dền nhiều hơn so với bó xôi, hàm lượng canxi gấp 3 lần.
Rau dền cơm cũng khá phổ biến ở Việt Nam và có nhiều công dụng như thanh nhiệt, lợi tiểu, điều trị ong đốt, mụn nhọt. Ở các nước Ấn Độ, Philippines, rau dền cơm còn được dùng điều trị tiểu đường, thiếu máu. Các nghiên cứu về sinh học, dược lý hiện đại cho thấy rau dền cơm có tác dụng chống ung thư, chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Nghiên cứu năm 2018 của một số nhà khoa học Việt Nam còn tìm ra hợp chất quý từ cây rau dền có thể gây độc cho tế bào ung thư.
Cách dùng: Rau dền có thể luộc, nấu canh ăn kèm với cà hoặc xào với tỏi, hành…
Dưa chuột
Dưa chuột có thể không chứa nhiều chất dinh dưỡng như các loại rau khác, nhưng nếu xét đến tác dụng giảm cân thì nó đứng hàng đầu. Mỗi cốc dưa chuột chỉ có 16 calo và 4g carb. Nó còn là một nguồn cung cấp vitamin K, kali, axit pantothenic, phốt pho, đồng và mangan.
Cách dùng: Dưa chuột có thể được sử dụng theo nhiều cách - ăn sống, trộn salad, cuộn sushi, xào thịt...
Atiso
Chúng ta hay gọi là hoa atiso, thật ra đây cũng được coi là một loại rau. Atisô là loại rau đa năng - bạn có thể ăn cả đài và lá.
Chuyên gia dinh dưỡng Julia Zumpano cho biết, atisô cực kỳ giàu chất chống oxy hóa và là nguồn cung cấp folate, kali cũng như nhiều loại vitamin và khoáng chất khác. Ngoài ra, atisô có hàm lượng calo thấp, một chén tâm nụ nấu chín chỉ chứa 45 calo, cộng với khoảng 5 gam chất xơ.
Cách chế biến: Thử hấp atisô và ăn phần đầu mềm của lá, sau đó rưới chút dầu olive hoặc sữa chua Hy Lạp. Món này rất nhanh và dễ làm. Bạn cũng có thể nấu canh với xương hầm, thêm vào món salad cá ngừ hay salad mỳ ống.