Loại cây dại xưa mọc hoang nay trở thành rau đặc sản trong nhà hàng đã được người dân trồng thành công và cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Thứ rau dại thành rau đặc sản dâng lên ban thờ
Thứ rau dại mà những người dân ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) khám phá ra bằng cách nếm thử xem có độc không chính là rau mít rừng. Trước đây, loại rau này mọc hoang, chỉ có đàn trâu tranh nhau ăn.
Rau mít mọc tự nhiên trên rừng, được bà con dân tộc Mường hái về làm thức ăn. Rau được sử dụng làm thức ăn phải là phần búp non (Không sử dựng lá bánh Tẻ hay đã già). Rau mít tươi có chút vị chát nhưng khi chế biến sẽ có vị Ngọt tự nhiên rất thơm ngon.
Theo ông Bùi Văn Ruồng (ở xóm Cao, xã Cao Sơn) thì từ nhỏ đã biết ăn loại lá này. Ông bảo, đem lá nấu cá, nấu cua cũng hợp nhưng ngon nhất phải là xào cùng thịt trâu.
Điều đặc biệt là do nhựa của cây có tính a xít nên khi hái, ngày xưa người Mường không dùng tay ngắt mà dứt từng ngọn, ngày nay có găng thì đỡ hơn, khi chế biến phải nấu kỹ chứ không ăn tái. Món mít rừng được đồng bào trân trọng bày lên bàn thờ những ngày rằm, mồng một hay lễ, Tết nhưng phải xào riêng, không bỏ tỏi bởi quan niệm tỏi sẽ đuổi ma.
Rau dại mít rừng được sử dụng làm thức ăn phải là phần búp non (Không sử dựng lá bánh Tẻ hay đã già). |
Anh Bùi Văn Khánh, con trai ông Ruồng nhận thấy loại rau rừng này được người trong vùng thu mua rau mít rừng về bán cho nhà hàng trộn lẫn cùng các loại rau thập cẩm như hoa chuối, lạc tiên, bông bạc, lá đu đủ… được khách khen ngon, bán tới 40.000đ/kg nên anh Khánh về bàn với vợ trồng thử loại rau mít rừng này.
Khi hai vợ chồng nhất trí, anh Khánh đã có một quyết định khiến nhiều người sửng sốt: thửa đất rộng 2.000m2 ven suối của bố mẹ với những gốc nhãn đang đến thời kỳ thu hoạch. Thế mà anh lại chặt hết nhãn đi để trồng rau mít. Ai cũng bảo “dở hơi” vì chỉ cần lên đồi hái một tý là đã có vài kg rau mít rừng rồi.
Lúc đó rau mít rừng trong vùng cũng khá hiếm, quả đồi nhiều có 5 - 10 cây, quả đồi ít chỉ có 1 - 2 cây. Ban đầu anh không biết cứ đi đào những gốc to bằng bắp chân nhưng khi trồng lại bị chết rất nhiều. Về sau rút kinh nghiệm, anh đào những cây nhỏ. Khi những đồi gần đã hết cây, họ phải đi đến những đồi xa, hành trang mang theo là cái xà beng, cơm nắm muối vừng cùng chai nước thuốc. Mỗi ngày lang thang khắp đồi núi như thế, họ tìm được 30 - 40 cây mít rừng.
Rau mít tươi có chút vị chát nhưng khi chế biến sẽ có vị Ngọt tự nhiên rất thơm ngon. |
Hành trình tuyển cây mít rừng về trồng rất gian nan, cơ may đến khi anh được người bạn mách cho tại Lâm trường huyện Kỳ Sơn mọc rất nhiều loại cây này. Thế là anh phát hiện ra cả ‘mỏ vàng’ lộ thiên. Chỉ trong 2 ngày, họ đã đào được 500 gốc mà vẫn chưa hết quả đồi, trong khi những quả đồi khác nằm gối nhau trải dài tít tắp như đá cuội nằm gối nhau ven bờ suối vậy.
Những cây mít rừng mọc dưới tán rừng trồng, nếu không đào thì sau khi khai thác hết gỗ rồi người ta cũng đốt đi để trồng lứa mới. Vợ chồng anh đi từ 6 giờ sáng khi sương còn chưa tan, về nhà khi sương bắt đầu buông mà vẫn không xuể, phải thuê 5 - 7 người khác để đào. Ròng ra 2 năm, vợ chồng anh Khánh đã hình thành vùng trồng cây đặc sản mít rừng trên 1ha và tiếp tục mở rộng.
Trồng đơn giản, chăm sóc nhàn mỗi năm thu gần nửa tỷ
Anh Khánh cho biết, rau mít rừng rất khỏe, chỉ cần bón phân gà, phân trâu ủ mục là lên. Lá cây do có nhiều nhựa nên ít loại sâu nào cắn được, không bao giờ phải phun thuốc, chỉ thi thoảng thấy loại sâu xanh có sừng thì bắt.
“Chúng tôi không dùng tí thuốc nào nhưng người ta đồn là phun bởi lúc nào cũng thấy lá non, bởi có nhiều đơn hàng nên phải dậy từ 4 - 5 giờ sáng để hái, đêm 7 - 8 giờ có khi vẫn còn soi đèn để hái” chị Bùi Thị Xuyến, vợ anh Khánh cho biết.
Khi trồng được nhiều mít rừng, chị Xuyến đem đi tiếp thị ở các nhà hàng cao cấp hơn, có những chỗ toàn khách tây, khách Hàn Quốc, đại gia Hà Nội đi đánh golf. Chủ quán thấy rau lạ không dám mua vì sợ độc, chị phải chỉ cho cách xào nấu rồi đứng đấy, chờ ăn xong không có vấn đề gì, ai cũng khen ngon thì mới rời đi.
Chị Xuyến thường lên đồi hái rau mít rừng từ mờ sáng. Ảnh Dương Đình Tường |
Hiện nhà chị Xuyến có 1,2ha mít rừng, do nương rộng nên hôm nào cũng cho búp, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 10 là vụ chính, mỗi ngày thu 30 - 40kg, bán 60.000đ/kg; từ tháng 11 là vụ phụ, mỗi ngày thu 10kg.
Mùa rét, cây mít rừng ngủ đông nhưng năm nay mãi chưa thấy lạnh, trời vẫn nắng chang chang nên mỗi ngày chị cũng thu được 30 - 40kg để cung cấp cho các nhà hàng trong huyện Lương Sơn. Tính ra mỗi năm, vợ chồng chị lãi được 300 - 400 triệu đồng nên vừa rồi mới cất một căn nhà mái Thái rất đẹp.
Xưa người ta cười, giờ cả xóm muốn học theo anh chị để trồng mít rừng. Không giấu bí quyết, họ còn khuyến khích bà con bởi nghĩ các nhà hàng đặt mua một nhà mình không đủ đáp ứng, vả lại không đi đào mít rừng về trồng sẽ bị các chủ rừng sau khi khai thác gỗ đốt hết mà thôi. Thế nên trong xóm hiện đã có 10 hộ trồng được diện tích trung bình 2.000 - 3.000m2/hộ.
Theo các chủ nhà hàng chế biến, rau mít rừng rất lành, cả người lớn, trẻ em đều dùng được. |
Từ cây mọc hoang trong rừng chỉ trâu mới dám ăn, rau mít rừng này đã thành đặc sản hút khách. Theo các chủ nhà hàng chế biến, rau mít rừng rất lành, cả người lớn, trẻ em đều dùng được. Rau cũng chế biến đa dạng, có thể kết hợp với các loại rau khác để cho hương vị riêng. Rau mít rừng đặc biệt thơm ngon khi xào với thịt trâu, loài vật đầu tiên khám phá ra giá trị của loại rau dại này./.