Giữa màu xanh của núi rừng Kon Tum - vùng cực Bắc Tây Nguyên, không khó để du khách được tận hưởng không khí trong lành và màu xanh bát ngát của những vườn cây với đủ loại bơ, cam, bưởi… được ngắm nhìn trái cây lúc lỉu, đong đưa trên cành, không khác gì miệt vườn đồng bằng Sông Cửu Long.
Những năm gần đây, do giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su xuống thấp, nên nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã chủ động tìm hướng đi mới với các loại cây ăn quả như cam, mít, sầu riêng,… Bên cạnh việc trồng thuần, bà con còn dùng phương pháp trồng xen canh với các loại cây công nghiệp, hoặc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, tạo ra giá trị kinh tế lớn từ các loại cây ăn quả, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Kon Tum.
Mâm trái cây ở Kon Tum. Ảnh Dân Việt
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có trên 4.100 ha cây ăn quả các loại như cam, bưởi, sầu riêng, mít thái, chuối,… mang lại giá trị kinh tế cao. Những năm vừa qua, do giá trị các loại cây công nghiệp xuống thấp nên nông dân đã chuyển đổi một diện tích không nhỏ sang trồng cây ăn quả. Trong những năm tới, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Kon Tum khả năng sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cho rằng, cần xác định lại vùng trồng cây ăn quả, phương thức trồng cũng như tạo mối liên kết bền vững giữa người nông dân và các thị trường tiêu thụ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay huyện đang có khoảng 830 ha cây ăn quả, định hướng phát triển lên xấp xỉ 1.000 ha vào năm 2025, tập trung vào các loại cây như sầu riêng, bơ, xoài và cây có múi. 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp huyện đã vận động nhân dân xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả như tại Đăk Pxi, Đăk Hring hay Ngọc Wang. Thậm chí, nhiều khu vực hiện đã không còn trồng xen canh trong các vườn cây công nghiệp, mà đã chuyển sang trồng chuyên canh cây ăn quả.
Tuy nhiên, để phát triển được cây ăn quả, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho rằng, người nông dân cần phải sản xuất đảm bảo theo các mô hình sạch như VietGAP, thậm chí xa hơn là GlobalGAP. Có như vậy, các sản phẩm trái cây mới có thể đưa vào các kênh phân phối, tiêu thụ chính thống như siêu thị, được người tiêu dùng đón nhận.
Cây ăn quả sai trĩu trên đất Kon Tum
Điển hình trong số đó là Nông trại Brosfarm (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) với sản phẩm dưa lưới được đơn vị sản xuất từ tháng 9/2019. Đầu tư hệ thống nhà màng công nghệ trên diện tích 5.000 m2, đơn vị này đã chủ động tạo ra các sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới GlobalGAP. Các sản phẩm dưa lưới của Nông trại Brosfarm được người tiêu dùng đón nhận, thậm chí không đủ để phục vụ cho các thị trường.
Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, những năm qua, bằng các chính sách hỗ trợ như chương trình khuyến nông, hàng năm sở đã chỉ đạo trung tâm khuyến nông từ tỉnh đến huyện hỗ trợ các diện tích cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, ngành nông nghiệp đã dùng các nguồn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ, lồng ghép, tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cây trồng. Đặc biệt, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao để tạo ra giá trị sản xuất cho địa phương.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và các địa phương phân vùng trồng theo từng loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các địa phương. Qua đó, khuyến cáo nông dân tổ chức thực hiện chuyển đổi theo định hướng chung của tỉnh.
Linh Anh