Một góc nhỏ vườn hoa hồng ngoại nhập trị giá 4 tỷ đồng của chị Khanh. |
Chị Trần Yến Khanh (SN 1979 ở Bến Tre) làm việc trong một khách sạn ở TP.Bến Tre, là công chức nhà nước, được tạo điều kiện học và lấy bằng cử nhân, thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên trước áp lực cuộc sống, chị từ bỏ công việc đã gắn bó 13 năm.
Đầu tiên, chị tập tành kinh doanh cám gạo làm thức ăn gia súc, 3 tháng sau số vốn tăng lên một chút, chị mạnh dạn thử sức cung cấp thêm củ sắn lấy từ Tây Ninh, vỏ trấu, củi trấu chất đốt cho các nhà máy, khu công nghiệp.
“Tôi rất lo sợ, mình nghỉ việc nhưng sau đó làm ăn không thành, thì không thể quay trở về nơi cũ nữa. Nhưng chỉ biết liều thôi. Bởi nếu tiếp tục làm công ăn lương, tôi không thể có một mái nhà cho riêng mình. 30 năm trời tôi đã ở nhà thuê trong căn nhà bé xíu ở Bến Tre, đến khi lấy chồng và có 2 con, chúng tôi cũng chưa có mái nhà riêng…”, chị Khanh nói.
Hiện nay, vườn hoa hồng của chị có nhiều giống ngoại nhập cho hoa to, đẹp. |
May mắn, công việc khá thuận lợi, chị Khanh mua được mái nhà nhỏ, từ đó mua thêm được vườn, đất để thoả sức trồng hoa hồng. Việc đầu tiên, khi cuộc sống ổn định, chị Khanh làm là đón mẹ trở về nhà, “Năm tôi 4 tuổi thì cha mẹ ly thân, cha đi lấy vợ và có cuộc sống riêng, còn mẹ tôi sống một mình bao nhiêu năm, phải tha hương, làm việc rất cơ cực. Nghĩ về mẹ của mình đã cho tôi động lực để cố gắng nhiều hơn”.
Khi bắt đầu trồng hoa hồng, chị trồng 50 gốc nhỏ, 1 năm tuổi trở lại nhưng do không có kinh nghiệm nên cây chết từ từ đến hết vườn. Rất buồn và nản nhưng vì đam mê, chị bắt đầu mua và trồng lại các gốc hoa hồng to trên 2-3 năm.
Sau hơn 30 năm nghèo khó, phải đi ở trọ, chị Khanh mới hiện thực hóa ước mơ trồng hoa hồng từ thuở bé của mình. |
Rút kinh nghiệm từ những lần cây bệnh và chết, chị tìm ra được cách làm để giảm thiểu cây bệnh. Để cây hồng ngoại phát triển tốt, phải chọn giống hoa tốt phù hợp khí hậu nóng của Bến Tre, đất phải tơi xốp, xịt phòng bệnh đúng ngày và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây ra mầm mập mạp, hoa to và đậm màu.
Năm 2019, chị mua thêm đất, mở rộng vườn hoa hồng của mình. Lúc này, vườn hồng của chị đã ngoài 2000 gốc, 4 mùa cho hoa rực rỡ, hương thơm ngào ngạt.
Tuy vậy, cuối năm đó, vườn hoa của chị bị nhiễm mặn. Hoa hồng không chịu được nước mặn nên đua nhau héo rũ, chết khô. Chị Khanh nhớ lại: “Thấy cây héo rũ, tôi xót xa như đứt từng khúc ruột. Tôi nghĩ cách tìm mua đất để cứu vườn hoa.
Những cây hoa hồng được chăm sóc tốt cho hoa to, cánh dày, hương thơm ngào ngạt quanh năm. |
Tôi chọn mua đất vườn ở Lạc Dương (Lâm Đồng) vì thích khí hậu ở đây. Thổ nhưỡng, khí hậu nơi này rất thích hợp với loài hoa hồng. Hoa hồng trồng ở đây cho bông to, cánh dày, màu và hương thơm đậm hơn gấp nhiều lần trồng ở Bến Tre”.
Chọn được đất, chị chuyển các gốc hồng của mình từ Bến Tre lên xã Đạ Nhim, Đạ Sar (huyện Lạc Dương) trồng. Sau 4 tháng tự tay chăm sóc, đến nay chị có 2 vườn hồng ngoại nhập với 2.655 gốc. Tổng chi phí cho việc chăm sóc 2 vườn hoa lên đến 4 tỷ đồng.
Sau 4 tháng tự tay chăm sóc, đến nay chị có 2 vườn hồng ngoại nhập với 2.655 gốc. |
Mặc dù có đến gần 3000 gốc hoa hồng, chị Khanh vẫn tự tay trồng, chăm sóc. Mỗi ngày chị đều ra vườn nhổ cỏ, cắt bỏ lá bệnh, cành tăm, cành điếc… Sau nhiều năm chăm sóc, chị nắm vững các kỹ thuật trồng hoa hồng, đặc biệt là hồng ngoại nhập.
Chị chia sẻ: “Hoa hồng ngoại không chỉ đắt đỏ mà còn rất khó chăm sóc. Thế nên, tôi muốn tự tay trồng, chăm hoa. Hồng ngoại cần được tưới đẫm nước ở gốc, xịt ướt lá ít nhất 1 lần vào sáng sớm.
Ngoài hoa hồng, chị Khanh bài trí thêm nhiều tiểu cảnh để vườn hoa sống động, đẹp mắt. |
Là người am hiểu hoa hồng nhất, mỗi ngày chị Khanh dành 3-4 tiếng đồng hồ để tự tay chăm sóc, cắt tỉa cho vườn, để bản thân được nhìn, chạm vào hoa hồng, ngửi hoa, chụp hoa cho thoả niềm yêu thích.
Chị Khanh bộc bạch: “Hạnh phúc của tôi là được làm công việc mình đam mê, nhất là bây giờ tôi có thể báo hiếu cho bà ngoại và mẹ. Mẹ cho tôi cả cuộc đời, còn bà ngoại đã cho tôi có ngày hôm nay”./.