Nguyễn Hải Âu thực hiện tác phẩm mới |
Không phải là quyết định theo cảm hứng! Nguyễn Hải Âu đã ấp ủ dự định này từ những năm còn là học sinh trung học.
“Cứ mẹ cho bao nhiêu tiền là tôi mua đất nặn về chơi. Ngồi xem mấy chú nặn tượng rồi về nhà học làm theo, đam mê từ nhỏ”, Hải Âu chia sẻ.
Chàng trai 9X cho biết, ngày ấy và thậm chí là hiện tại, bộ môn nghệ thuật này chưa phát triển và chưa thực sự được quan tâm ở Việt Nam nên những ngày bắt đầu đến với nặn đất tạo hình, Hải Âu gặp rất nhiều khó khăn.
“Tưởng tượng trong đầu về những sinh vật và khi bắt tay vào hiện thực, sáng tạo, có rất nhiều trở ngại xuất hiện. Tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu của nước ngoài về môn nghệ thuật này”, Hải Âu chia sẻ.
Anh Hải Âu tỉ mỉ từng chi tiết một |
Theo Nguyễn Hải Âu, những mô hình sinh vật huyền bí mà anh tạo ra mang ý nghĩa truyền đạt linh vật trong văn hóa phương Đông và phương Tây. Chu tước hay còn gọi là chu điểu, là một thần thú linh thiêng tượng trưng cho hành hỏa, hướng nam và mùa hạ. Kỳ lân tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, điềm lành…
Nguyễn Hải Âu cho hay, để từ những khúc gỗ, đất sét, đá vô tri vô giác biến thành mô hình sinh vật huyền bí có hồn, sức sống, phải trải qua 4 bước chính.
Dụng cụ hành nghề của anh Âu |
Lên ý tưởng là bước khởi đầu quan trọng để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Để “thổi hồn” một cách chân thật nhất, Hải Âu sẽ tìm đọc tài liệu về sinh vật từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó tổng kết lại môi trường sống, nét tính cách của sinh vật.
Tiếp đến là vẽ phác thảo. Công đoạn này chàng trai 9X chia thành vẽ 2D để ra hình dạng thô ban đầu và vẽ 3D để chuẩn bị cho bước nặn hình tạo vật.
“Sau khi hình ảnh, chi tiết về sinh vật đã hiện lên một cách rõ ràng qua bản vẽ 3D, tôi sẽ tìm lựa chọn nguyên liệu. Ví dụ phượng hoàng lửa, đôi cánh phải khỏe, dang rộng nên tôi chọn loại đất sét tự khô. Phượng hoàng là loài chim to, thích đậu cây cổ thụ, vì vậy tôi tìm nhặt khúc gỗ có dáng to, cổ... về biến tấu. Để thêm hùng vĩ, tôi chọn đá cuội trang trí núi non”, Hải Âu chia sẻ.
Đến nay, bộ sưu tập của anh chàng đam mê đất nặn đã lên đến con số vài trăm và mỗi hình vật đều mang một ý nghĩa, kỷ niệm đáng nhớ.
Trong tương lai, anh cho biết sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các lớp học nặn tượng, ngoài ra sẽ tổ chức thêm các workshop ở các trường đại học và một số chương trình hướng nghiệp khác. Hải Âu mong muốn đưa bộ môn nghệ thuật này tiếp cận được với đông đảo người dân, đặc biệt là với các em nhỏ. Nhờ có nghề này, anh cho biết hiện tại thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/ tháng.
Một số tác phẩm do anh Âu thực hiện |
“Với bộ môn này, các bé sẽ được tăng khả năng tư duy, trí tưởng tượng và hoa tay khéo léo. Bên cạnh đó, giảm thời gian mà các bé sử dụng điện thoại. Thay vào đó các bé có thể tự do sáng tạo đồ chơi cho riêng mình”, Nguyễn Hải Âu bộc bạch.
Nhận xét về người đồng nghiệp của mình, anh Hoàng Minh Trí chia sẻ: “Tôi đánh giá quyết định rẽ hướng của Âu là một sự đột phá. Tuổi trẻ tự tin, dám lựa chọn sống và sống tốt với đam mê. Âu cực kỳ nghiêm túc, tỉ mẩn trong công việc, sản phẩm của anh ấy rất có hồn riêng. Đến hiện tại thì không ai nghi ngờ về lựa chọn của Âu nữa”.