Ông Lê Văn Sáu có nhiều năm kinh nghiệm canh tác sầu riêng sạch đạt chuẩn xuất khẩu. |
Mạnh dạn chuyển đổi canh tác sầu riêng sạch
Canh tác hơn 1ha cam xoàn không hiệu quả, cách đây 3 năm, ông Võ Văn Mười, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 160 gốc sầu riêng. Theo ông Mười, sầu riêng tuy trồng 4 năm mới bắt đầu cho trái, nhưng do là cây cổ thụ nên thời gian cho trái kéo dài vài chục năm. Mặt khác, giá trị của sầu riêng cao gấp nhiều lần so với loại trái cây khác nên chỉ cần đầu ra ổn định là nhà vườn sống khỏe.
Ông Mười cho biết: “Hiện nay, trên mảnh vườn của gia đình trồng 3 loại sầu riêng gồm: Ri6, Monthong và chuồng bò. Mỗi giống trồng một ít để phòng loại nào không hút hàng thì loại kia bù qua. Trước khi trồng, gia đình cũng tìm hiểu thấy sầu riêng là loại cây trồng có giá cả ổn định hơn những loại trái cây khác. Đặc biệt hiện nay nước ta ký kết thỏa thuận được với Trung Quốc thì nhà vườn mình càng yên tâm. Giờ chỉ lo canh tác theo hướng sạch để cho cây đạt năng suất và chất lượng tốt nhất phục vụ cho người tiêu dùng”.
Từ ngày 11-7, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng nên, theo các tiểu thương, tới đây nông dân trồng sầu riêng sẽ phát triển ổn định. Bởi trước đây sầu riêng đa phần được xuất theo đường tiểu ngạch, phải nhờ mã số và cơ sở đóng gói của Thái Lan nên giá thành đội lên cao, buộc lòng giá sầu riêng tại vườn phải thấp. Nhưng khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch thì giá bán sẽ được cải thiện.
Ông Phan Thanh Hải bên vườn sầu riêng 5 năm tuổi đang sai trái của gia đình ở ấp Bảy Thưa (xã Tân Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). |
Theo ông Võ Văn Tuấn, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình trồng được hơn 100 gốc sầu riêng giống Ri6 và Monthong, cây đã 3 năm tuổi. Mấy năm trước, nhận thấy đầu ra của sầu riêng chưa ổn định nên gia đình cũng chưa mạnh dạn đầu tư phân thuốc cho cây phát triển. Nhưng từ khi biết được thông tin sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đó là nguồn động lực cho nhà vườn trồng sầu riêng nói chung và gia đình nói riêng nên gần đây tôi đã chăm chút vườn hơn để sầu riêng sớm cho trái”.
Còn ông Trần Bá Tạo, thương lái thu mua sầu riêng ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Gia đình làm nghề thu mua trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc nhiều năm nay, theo nhận định chung thì sầu riêng của Việt Nam chất lượng không thua kém sầu riêng của Thái Lan hay Malaysia. Tuy nhiên, do đa phần sản lượng sầu riêng của Việt Nam tiêu thụ nội địa hay xuất theo đường tiểu ngạch nên giá trị thấp. Tới đây được xuất chính ngạch, nếu tỉnh hỗ trợ người dân làm được các giấy tờ có liên quan thì nhà vườn trồng sầu riêng sẽ phát triển hơn nữa.
Hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng
Là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao nên vài năm trở lại đây sầu riêng đang được huyện Phụng Hiệp quy hoạch phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Theo thống kê toàn huyện hiện có gần 400ha sầu riêng, trong đó có hơn 150ha đang trái, số còn lại sẽ cho trái vào 1-2 năm tới.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được công bố là tín hiệu vui cho nhà vườn trồng sầu riêng. Chính vì thế, thời gian gần đây ngoài việc mở rộng diện tích, huyện Phụng Hiệp còn chuyển giao cho nhà vườn xây dựng mã số vùng trồng, quy trình sản xuất sầu riêng theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ cho vựa thu mua xây dựng cơ sở đóng gói để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sầu riêng của huyện được xuất ngoại.
Vườn trái của chị Nguyễn Thị Trường tại ấp Đông Bình, xã Tân Thành, TP Ngã Bảy, TP Hậu Giang. |
Ông Lê Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, có 35 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng, trong đó 15 năm trồng xuất khẩu, hơn ai hết, ông Sáu hiểu rõ yêu cầu thị trường ngày càng cao, nông dân phải mạnh dạn thay đổi, sản xuất sạch, an toàn mới được thị trường đón nhận lâu dài. Cái hay của lão nông này là không chỉ áp dụng phân hữu cơ vào vườn nhà, phun thuốc bằng máy bay mà ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bà con có nhu cầu. Ông Sáu cho biết: “Ở đây, chúng tôi đang chuyển qua trồng sầu riêng hữu cơ sạch. Tôi xài phân hữu cơ nhiều, thành ra cây sống bền, cơm sầu riêng rất đạt. Khi sản xuất theo chuẩn VietGAP, có mã số vùng trồng, có nguồn gốc thì sẽ xuất khẩu được hết”.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Với quy chuẩn mà Trung Quốc đưa ra theo ký kết với Việt Nam thì nhà vườn trồng sầu riêng ở huyện Phụng Hiệp nói riêng và Hậu Giang nói chung đã thực hiện quy trình này từ lâu và hiện nay có một số chuẩn mới thì ngành nông nghiệp huyện cũng đang hỗ trợ bà con cập nhật thêm. Đặc biệt, hiện nay trong huyện cũng có một số diện tích sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu, số còn lại thì cũng gần đạt.
Tỉnh Hậu Giang đã vận dụng nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng sang canh tác sầu riêng sạch. |
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu không chỉ cải thiện kinh tế cho nhà vườn, mà còn giải được bài toán về đầu ra trong thời gian qua. Đây là động lực để nhà vườn tập trung sản xuất và phát triển diện tích theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu.
Để nâng tầm giá trị trái sầu riêng, tỉnh Hậu Giang đã vận dụng nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng sang canh tác sầu riêng sạch. Địa phương cũng hỗ trợ việc xây dựng mã số vùng trồng và hướng dẫn cho người dân và các cơ sở tu mua nắm được các tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Đây là hướng đi bền vững để người dân Hậu Giang tăng cao thu nhập từ loại trái cây vua này./.