Từ khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng trong nước có thời điểm tăng gấp 3 lần. |
Xuất khẩu lập kỷ lục, giá sầu riêng tăng gấp 3 lần
Từ khi những lô sầu riêng đầu tiên chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc, sản lượng sầu riêng của nước ta tăng kỷ lục 294% trong tháng 10/2022. Giá loại quả này cũng tăng gấp 3 lần, giúp nông dân có thu nhập cao.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong tháng 10 năm nay, xuất khẩu sầu riêng thu về gần 79 triệu USD, tăng 294% so với tháng 10/2021. Mức tăng kỷ lục này đưa sầu riêng trở thành trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tháng 10 vừa qua.
Tính đến hết tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 293,6 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện sầu riêng chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, chỉ xếp sau quả thanh long (giá trị xuất khẩu đạt 552,3 triệu USD, chiếm 32,5%).
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), sau khi ký nghị định thư, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh. Tính từ 17/9 - ngày xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên - đến nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 20.000 tấn sầu sang thị trường Trung Quốc.
"Sầu riêng giá tăng gấp 3 khi có nghị định thư, tạo thêm thu nhập cho người nông dân”, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho hay.
Theo ông Trung, đến thời điểm này, sản lượng sầu riêng năm 2022 đạt 1,3 triệu tấn. Năm 2023, khi các mã số vùng trồng tăng lên, lúc đó lượng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cũng tăng tương ứng.
Đặc biệt, quả sầu riêng có lợi thế trồng ở nhiều vùng, thời gian thu hoạch lệch nhau. Đơn cử, thời điểm này toàn vùng Tây Nguyên đã kết thúc vụ thu hoạch thì Bến Tre, Đồng Nai, Tiền Giang,... mới vào vụ.
"Việt Nam có sầu riêng xuất quanh năm. Đây là lợi thế của sầu Việt so với sầu Thái Lan", ông Trung nói.
Sản lượng sầu riêng của nước ta tăng kỷ lục 294% trong tháng 10/2022. |
Kiểm soát phát triển vùng sầu riêng bền vững
Nhận thấy sầu riêng tăng giá mạnh, thậm chí giá tăng gấp 3 lần, tại nhiều vùng trồng sầu riêng ở nước ta xảy ra tình trạng người nông dân ồ ạt mở rộng diện tích. Nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng...
Trong khi đó, công tác quản lý giống, quy trình canh tác còn tồn tại nhiều hạn chế. Đặc biệt, diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng chanh leo, sầu riêng hiện có.
Để phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT đặc biệt yêu cầu các Sở NN-PTNT rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Giá sầu riêng tăng, người trồng thu lợi nhuận cao nhưng việc ồ ạt mở rộng diện tích sầu riêng sẽ tiềm ẩn những hệ lụy. |
Bộ NN-PTNT cũng khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, không tự phát chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây sầu riêng.
Các địa phương cũng cần khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc kiểm soát nông sản nhập khẩu. Ngay cả những trái cây Việt Nam đang xuất khẩu ổn định cũng được yêu cầu đám phán và ký lại nghị định thư xuất khẩu. Đối với trái sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc bước đầu thuận lợi, nhưng những rào cản vấn rất lớn nhất là với việc cấp mã số vùng trồng, kiểm dịch thực vật... Bởi vậy, để trái sầu riêng xuất khẩu bền vững, cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn từ trồng cho tới thu hoạch, sơ chế./.