Mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm
Chăn tơ tằm - sản phẩm độc đáo của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận. |
Việc phân loại, xếp hạng sao cho sản phẩm OCOP đã góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề, thậm chí nhiều sản phẩm được lựa chọn làm quà tặng cao cấp... Đơn cử tại xã Phùng Xá, Mỹ Đức, từ đầu năm 2023, sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận OCOP 5 sao.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho biết, gia đình làm nghề dệt từ nhiều đời, sau nhiều năm quan sát, học hỏi, bà đã tìm ra cách “biến” hàng vạn con tằm cùng nhả tơ trên một mặt phẳng và liên kết tự nhiên tạo thành tấm mền nguyên khối có kích thước tùy thích.
Theo bà Thuận, để làm ra sản phẩm “Chăn tơ tằm tự dệt”, bà phải xử lý tấm mền do tằm tự dệt bằng nước nóng nhằm loại bỏ tạp chất, keo tơ, tạo độ xốp cho ruột chăn. Sau đó, ruột chăn được chần bằng tay với một lớp vải tơ tằm để giữ được độ xốp. Vỏ chăn làm bằng tơ tằm, được nhuộm từ lá, thân, rễ các cây sòi, xoài, nghệ...
Bà thuận cho biết thêm, từ khi được tham gia Chương trình OCOP của thành phố, sản phẩm của làng nghề cùng với sản phẩm lụa tơ tằm, tơ sen do cơ sở nghiên cứu, sản xuất đã được nhiều người biết đến, sức tiêu thụ tốt hơn. Trung bình mỗi năm, công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức hoàn thành hàng nghìn chiếc chăn tơ tằm tự dệt, sản phẩm bán theo cân nặng, mỗi ki lô gam chăn có giá 4 triệu đồng.
Tương tự, Công ty TNHH Dệt may Thành Long, trong thời gian qua doanh nghiệp này cũng đã sản xuất được dòng sản phẩm khăn bông sợi nở có khả năng thấm hút cao, mềm mại, tiện dụng, an toàn. Sản phẩm đang được bày bán ở nhiều siêu thị và được các khách sạn đặt hàng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật.
Có thể thấy, làng nghề Phùng Xá đang tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân. Thay vì dệt lụa, các hộ đã chuyển sang dệt khăn mặt, khăn tắm tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu. Bà Phan Thị Nhung - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã hiện có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm...
Lang Nghề đã tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã. Các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa phương đã rất tích cực tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP. Hà Nội nhằm xây dựng thương hiệu, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm.
Tạo ra những sản phẩm truyền thống
Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Theo ông Trương Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh cho các chủ thể. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 đều là sản phẩm độc đáo, sáng tạo, mang những nét đặc trưng, truyền thống của địa phương, thân thiện với môi trường, bảo đảm các tiêu chí tham gia đánh giá phân hạng.
Các chủ thể đều quan tâm đến chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định của pháp luật. Các sản phẩm bước đầu đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. Chất lượng về hồ sơ minh chứng cơ bản được hoàn thiện rõ ràng, đánh giá được tình hình hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm.
Đến nay, toàn huyện đã có 57 sản phẩm OCOP, trong đó có 22 sản phẩm OCOP 4 sao và 32 sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá xếp hạng 5 sao; hai sản phẩm: khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức có tiềm năng đạt 5 sao…
Đáng chú ý, trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, huyện Mỹ Đức có 13 sản phẩm tham gia đánh giá mới của các chủ thể gồm: Hợp tác xã (HTX) thêu tay Mỹ Đức có 5 sản phẩm (Tranh thêu tay quốc hoa đón xuân; Tranh thêu tay Văn Miếu Quốc Tử Giám; Tranh thêu tay chùa Một cột; Tranh thêu tay Hoa hướng dương; Tranh thêu tay Thiền Sen); Công ty TNHH Nông nghiệp Mỹ Đức có 3 sản phẩm (Trà xạ đen; Trà cà gai leo; Viên tinh nghệ sữa ong chúa)...
Ông Lê Văn Trang - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, kết quả tại Phùng Xá và các địa phương khác có được trong thời gian qua là nhờ huyện Mỹ Đức xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương.
Thời gian tới, đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện sẽ tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.