Nơi hiếm hoi ở Thủ đô Hà Nội đang lưu giữ những bông cúc cổ độc lạ và quý hiếm. |
Hoa cúc là thứ không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Hoa cúc cũng có một không gian sang trọng trong hội họa, thi ca. Hoa cúc đẹp muôn hình vạn trạng, nhưng hoa cúc cổ, nơi khơi nguồn mọi cảm xúc được các bậc tiền nhân coi như bảo vật. Tuy nhiên ngày nay trở thành xa lạ với nhiều người bởi giống hoa quý hiếm này không còn phổ biến nữa.
Giống cúc cổ Hồng Tú Kiều thể hiện sự quan tâm, tận tình. |
Cúc hồng tú kiều như thôi miên với vẻ đệp ma mỵ. |
Với niềm đam mê cháy bỏng với hoa cúc cổ thuần Việt, nghệ nhân Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Công viên thực vật cảnh Việt Nam, đang chăm sóc và bảo tồn hàng trăm gốc cúc cổ tại Thanh Trì (Hà Nội). Ông cho biết, điều làm nên sự khác biệt của cúc cổ chính là sự "lả lơi" của cánh hoa. Cánh hoa dài rủ xuống tạo nên sự yêu kiều, quý phái của loài hoa này.
So với các loại cúc khác, số lượng cánh hoa của cúc cổ nhiều hơn, sắp xếp không theo trật tự nhất định, độ dài cũng không đồng đều. Thân cúc cổ cứng cáp vì vậy nghệ nhân có thể uốn nắn, tạo thế. Thông thường, cây muốn lên được dáng thế đẹp, chuẩn bonsai thì phải mất 2 - 3 năm tạo kiểu. Nếu được chăm sóc tốt, cúc cổ có thể cho hoa từ tháng 11 âm lịch đến khoảng tháng 4 năm sau.
| ||
|
Bạch Lệ Mi, Hoàng Long Trảo, Hồng Tú Kiều, Đại đóa là những loại cúc cổ luôn được giới chơi cây săn đón. Mỗi loại mang ý nghĩa khác nhau. Sắc vàng của Hoàng Long Trảo thể hiện sự thanh cao, quý tộc. Bạch Lệ Mi tượng trưng cho lòng trung thành và đức hạnh. Màu hồng trên cánh hoa Hồng Tú Kiều mang ý nghĩa của tình cảm chân thành, sự quan tâm. Đại đóa tím lại mang những lời chúc ngọt ngào và lãng mạn nhắn gửi đến người yêu thương…
Theo ông Hùng, trước đây cúc cổ chỉ xuất hiện trong cung đình để vua chúa thưởng thức. Cũng chính vì lẽ đó, hoa văn cúc cổ xuất hiện trên các bộ bào phục của vua chúa, quan lại xưa. Ví như áo thường triều của vua Khải Ðịnh tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, ngoài hoa văn rồng mây, thủy ba như thông lệ còn điểm xuyết 18 đóa hồng nhung thêu kim tuyến và chỉ bóng, cùng hai bông cúc đại đóa ở trước ngực và sau lưng.
Giống cúc cổ Bạch Lệ Mi thể hiện lòng trung thực và đức hạnh. |
Từ lâu, cúc cổ cũng là nguồn cảm hứng của nghệ nhân, trở thành họa tiết trên các sản phẩm gốm, sứ, các công trình kiến trúc... Có thể nói, hoa cúc nói chung và cúc cổ nói riêng luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Việt.
Bên cạnh những giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, hoa cúc còn là một loại thảo dược với nhiều công dụng. Trong đó, những bông hoa cúc có thể được dùng để làm trà, nấu rượu. Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) là một vùng nổi tiếng với nghề nấu rượu cúc. Ông Hùng cho biết, sau khi chưng rượu, cho hoa cúc khô vào và tiếp tục chưng một lần nữa. Khi đó, hơi bốc lên, hương cúc ngấm vào từng giọt rượu. Rượu này để càng lâu càng ngon, đặc biệt mùi hoa cúc không bao giờ mất. Ngoài ra, cúc cổ còn được dùng làm quà tặng cho người cao tuổi, bởi cúc cổ mang ý nghĩa về sự an khang, sung túc, như một lời chúc vạn thọ vô cương.
Ông Đào Mạnh Hùng giới thiệu các giống cúc cổ mà ông đang chăm sóc, bảo tồn. |
Để phát huy giá trị, tiềm năng của cúc cổ, ông Hùng chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn cố gắng tổ chức các sự kiện thường xuyên để thu hút được cộng đồng, qua đó giới thiệu giá trị của cúc cổ, đồng thời lan tỏa tình yêu, ý thức bảo vệ thiên nhiên của mọi người”.
Những kiểng bonsai cúc cổ gợi nhớ vẻ hoang sơ xưa cũ như thời tiền sử. |
Không chạy theo những xô bồ, diêm dúa, hoa cúc cổ thuần Việt mang một sắc thái trầm tích, sâu lắng. Những cánh hoa dài rủ xuống lả lơi tạo nên sự yêu kiều, quý phái của cúc cổ, khơi dậy bao cảm xúc. Với những người yêu hoa cúc cổ, mỗi ngày được ngắm nhìn những cánh hoa yêu kiều cũng là lúc tâm hồn lắng lại, chiêm nghiệm thêm những giá trị cuộc sống./.