Phát huy tiềm năng vốn có
Nằm dưới chân núi Lang Biang, Lạc Dương có khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, phù hợp để phát trển các loại cây trồng, đặc biệt là nông sản như rau, củ, quả... và các sản vật khác.
Dựa trên lợi thế này, những năm qua UBND huyện Lạc Dương và các ban ngành không ngừng đẩy mạnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Trao đổi với PV TC Thương Hiệu và Sản Phẩm, ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương cho biết, hiện địa phương có 43 sản phẩm của 14 chủ thể đạt chứng nhận OCOP. Trong đó có 27 sản phẩm 3 sao và 16 sản phẩm 4 sao.
Du khách tham quan và mua sắm tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương. |
"Nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện đã tạo được thương hiệu và uy tín, đem lại giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như; cà phê, nấm hương, rượu cần, đông trùng hạ thảo, trà túi lọc...”- ông Hải vui vẻ nói.
Nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương tới du khách, UBND huyện Lạc Dương đã xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP huyện với tổng diện tích 334m2 gồm 2 tầng với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng.
Hiện trung tâm này giao cho Câu lạc bộ sản phẩm OCOP Lạc Dương và Chi hội doanh nghiệp quản lý vận hành. Đồng thời, huyện cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức quảng bá sản phẩm, tham gia xúc tiến thương mại ở TP HCM, Đắk Lắk, Gia Lai, Sơn La, Đồng Tháp, Hà Nội, Tiền Giang,…
Nhiều sản phẩm OCOP hội tụ dưới chân núi Lang Biang. |
Theo UBND huyện Lạc Dương, đối với các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, các cơ quan thường trực của huyện cùng chính quyền địa phương rà soát các sản phẩm, hỗ trợ về máy móc, thiết bị nâng cấp sản phẩm, team nhãn, bao bì sản phẩm, các nội dung còn thiếu để đạt chứng nhận OCOP.
Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ các chủ thể đã đạt chứng nhận OCOP đưa sản phẩm bán tại sàn giao dịch điện tử voso.vn của Viettel. Qua thời gian triển khai, các sản phẩm bán với số lượng tăng đáng kể, qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh quảng bá sản phẩm cũng như tăng doanh thu cho mình.
Sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP
Theo ông Hoàng Xuân Hải, là địa bàn đông đồng bào DTTS, nền sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún chưa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nào. Vì thế, ngành nông nghiệp đã tiếp cận hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp xây dựng mô hình đạt chuẩn theo quy định để hướng tới chứng nhận sản phẩn OCOP.
“Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với liên kết chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, kinh tế người dân càng ổn định”- ông Hải nói.
Mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú. |
Hiện nay, các sản phẩm được chứng nhận, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng. Chương trình cũng góp phần quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp cũng như hình ảnh của Lạc Dương đến đông đảo du khách thập phương.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025, UBND huyện Lạc Dương sẽ khảo sát, hướng dẫn xây dựng ý tưởng và lựa chọn ý tưởng sản phẩm; tư vấn, hướng dẫn, tập huấn cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu đến năm 2025, Lạc Dương có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Lạc Dương cũng hướng dẫn chủ thể bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử. |
Bênh cạnh đó, huyện tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp huyện hiểu rõ bản chất của chương trình; phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi chỉ đạo chương trình OCOP.
Huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho các chủ thể tham gia hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đơn vị tham gia xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố có thị trường tiêu thụ sản phẩm cao.
Hoà Bình phát triển sản phẩm OCOP từ lợi thế của địa phương |
Đắk Mil (Đắk Nông): Phát triển nội lực, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP |
Huyện Phú Xuyên: Đánh giá, phân hạng 54 sản phẩm OCOP năm 2023 |