Trung Quốc chính thức nhập khẩu khoai lang và tổ yến của Việt Nam Trồng “khoai đất lạ”, anh nông dân vùng biên thu tiền tỷ mỗi năm Những lưu ý khi xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc |
Nông dân xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch khoai lang |
Do ảnh hưởng 2 năm dịch bệnh COVID-19, giá khoai lang tím Nhật luôn ở mức thấp, có thời điểm chỉ còn 30.000 - 40.000 đồng/tạ. Hiện nay giá loại khoai này đang lập đỉnh mới, hơn 1,2 triệu đồng/tạ.
Ngày 2/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết do nguồn cung tiếp tục khan hiếm nên giá khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân hiện đã tăng lên hơn 1,2 triệu đồng/tạ (60kg).
Đây là mức giá được ghi nhận cao nhất kể từ khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tuy giá cao nhưng hiện tại nông dân không có khoai để bán, vì trong 2 năm qua giá loại khoai này luôn ở mức thấp, có thời điểm chỉ còn 30.000 - 40.000 đồng/tạ. Nông dân lỗ nặng, không tái đầu tư sản xuất khiến diện tích khoai của huyện từ đầu năm 2022 đến nay chỉ xuống giống được 750ha.
Hiện Bình Tân chỉ còn khoảng 10ha trồng khoai, nguồn cung khan hiếm nên giá tăng mạnh. Theo tính toán của người trồng, với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí sản xuất còn lãi trên 20 triệu đồng/công.
Một lãnh đạo huyện Bình Tân cho biết thêm, hiện diện tích khoai lang tím Nhật còn rất ít, do người dân đã chuyển đổi sang trồng rẫy, lúa và hoa màu.
Chính quyền địa phương đang tập trung khuyến khích, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hướng dẫn người dân tái sản xuất khoai lang tím Nhật để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Chậm nhất đến cuối vụ lúa đông xuân năm nay, nông dân Bình Tân sẽ tái chuyển đổi sang trồng lại khoai lang để phục vụ thị trường.
Khoai lang tím trồng nhiều ở đâu
Lãnh đạo huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, khoai lang tím Nhật xuất khẩu chỉ ngon và chất lượng khi trồng ở địa phương |
Nằm ven sông Hậu với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng, hàng chục năm qua, người dân huyện Bình Tân đã chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang khoai lang đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy có lúc giá khoai lang lên xuống thất thường làm nhiều nông dân lo lắng, nhưng thực tế cho thấy, cây khoai lang vẫn phù hợp với vùng đất này và giúp nhiều hộ khá lên nhanh chóng. Dần dần, khoai lang trở thành cây trồng chủ lực, diện tích liên tiếp tăng, biến Bình Tân trở thành “vương quốc” khoai lang ở miền Tây.
Ông Đào Minh Trọn (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) kể, trước đây, bà con vùng này chủ yếu làm lúa và hoa màu. Sau ngày đất nước thống nhất, một số hộ dân bắt đầu tìm giống khoai lang về trồng rồi nhiều hộ học theo. Từ đó, Bình Tân trở thành vùng chuyên canh khoai lang lúc nào không hay. “Có lẽ do hợp thổ nhưỡng nên khoai lang trồng ở Bình Tân phát triển rất tốt, năng suất cao. Cứ thế, hộ này chỉ cho hộ kia, vùng khoai tăng dần diện tích và có thể nói nơi đây đang trở thành vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây”- ông Trọn nói.
Ông Trọn cho biết thêm, gia đình ông vừa thu hoạch 1,2ha khoai lang tím Nhật xong là có thương lái đến tận ruộng thu mua. Sau khi tính toán, trừ hết chi phí, vụ này ông lời gần 100 triệu đồng. “Vùng đất này thuận lợi cho việc trồng khoai lang. Do giống khoai tím Nhật cho năng suất cao, phù hợp xuất khẩu nên rất nhiều bà con nông dân chuyển sang trồng giống khoai này. Vụ khoai tới, tôi xin đăng ký với ngành nông nghiệp địa phương trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP và có mã số vùng trồng để đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp gia đình tăng thêm thu nhập”- ông Trọn nói.
Vùng chuyên canh khoai lang Bình Tân có diện tích khoảng 13.000ha, tập trung tại các xã Thành Đông, Thành Trung, Nguyễn Văn Thảnh; năng suất khoai lang bình quân khoảng 50 - 60 tạ/công (1 tạ là 60kg), tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn khoai/năm. Hiện nông dân Bình Tân chủ yếu trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ có một số ít trồng các loại khoai lang đỏ, khoai sữa để phục vụ nhu cầu trong nước. Ước tính mỗi ngày có 100 - 200 tấn khoai lang được thương lái mua để xuất khẩu, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 70 - 80%.
Thời gian qua, việc khoai lang chưa được xuất khẩu bằng đường chính ngạch khiến giá khoai giảm sâu, nông dân không lời thậm chí thua lỗ. Việc khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã có những tác động tích cực góp phần đưa giá khoai lang tăng khoảng 200.000 -220.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi và đang ở mức từ 480.000 - 510.000 đồng/tạ. Giá này, nếu nông dân không phải thuê đất, sẽ lời từ 5 - 7 triệu đồng/công. Riêng khoai được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP có giá từ 550.000 - 560.000 đồng/tạ, chẳng những lời khá hơn mà các thương lái còn tự tìm đến để mua hàng.
Không chỉ có thị trường Trung Quốc, khoai lang Bình Tân đang có cơ hội lớn để vươn ra thị trường thế giới.
Từ thực tế thị trường cho thấy, sản xuất khoai lang đảm bảo chất lượng sẽ không lo đầu ra. Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) khoai lang Bình Tân, cho biết: HTX có 10 xã viên trồng 60ha khoai lang theo hướng an toàn nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu. Gần đây thị trường Trung Quốc nhập hàng khoai lang khá mạnh, giá tăng cao hơn trước nhưng cũng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm. Từ đó, HTX xây dựng vùng trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP và có mã số vùng trồng tạo vùng nguyên liệu lớn, khi có đơn hàng là có thể xuất khẩu sang Trung Quốc kịp thời.
Ông Trịnh Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Trung, cho biết vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) triển khai mô hình sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cây khoai lang. Mô hình được thực hiện tại xã Thành Trung trên diện tích 50ha, với 64 hộ nông dân tham gia. Bà con nông dân tham gia mô hình này được dự án hỗ trợ đầu tư 30% vật tư nông nghiệp. Các khoản khác được hỗ trợ hẳn 100% gồm: xây dựng điểm pha thuốc BVTV, mua đồ bảo hộ lao động phun xịt thuốc, tủ thuốc y tế, tập huấn, đào tạo kiểm tra viên nội bộ, phân tích mẫu đất, nước và phí chứng nhận VietGAP.
Theo Chi cục Trồng Trọt và BVTV Vĩnh Long, mô hình hướng đến tập huấn nông dân nhận biết danh mục các sản phẩm thuốc BVTV là chất cấm ở thị trường Trung Quốc. Nông dân thực hiện ghi chép sổ tay, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định. Mặc quần áo bảo hộ bảo vệ sức khỏe bản thân. Một điểm quan trọng của mô hình là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Thông qua phần mềm, thương lái có thể xem và biết được các giai đoạn sinh trưởng, người trồng, diện tích của cây khoai lang các nơi trên địa bàn. Thực hiện quản lý dịch hại trên cây khoai lang và thực hiện cấp mã số vùng trồng cho khoảng 200ha trong năm nay.
Khoai lang sắp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc |
Trồng “khoai đất lạ”, anh nông dân vùng biên thu tiền tỷ mỗi năm |
Những lưu ý khi xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc |