Bún hến Mai Xá - ăn một lần nhớ mãi không quên Nộm da trâu - đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến Mộc Châu Đặc sắc Ngày hội văn hóa, ẩm thực dân tộc Mường |
Khau nhục (khâu nhục) có nguồn gốc từ ẩm thực Trung Hoa, du nhập vào Việt Nam và trở thành đặc sản nổi tiếng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Sơn Dương, một xã miền núi, nằm về phía Tây Bắc của thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Theo các cụ cao niên ở Sơn Dương cho biết, vùng đất này là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Thanh Y, Thánh Phán, Tày, Nùng, Dao, Mường, Hoa Kiều… nhưng đông nhất vẫn là người Sán Dìu, chiếm hơn 50% dân số. Người Sán Dìu đã học hỏi cách làm khâu nhục từ người Hoa, điều chỉnh hương vị để phù hợp với khẩu vị địa phương và truyền lại công thức qua nhiều thế hệ.
![]() |
Khâu nhục Sơn Dương được làm từ thịt ba chỉ lợn. |
Bữa ăn của người Sán Dìu được chia làm ba bữa, thành phần thức ăn (cơm, rau, thịt, cá...) như nhiều dân tộc khác. Để làm đa dạng các món ăn, người Sán Dìu đã biết phối hợp nguyên liệu qua nhiều cách thức chế biến khác nhau. Các món ăn được chế biến qua nhiệt và không qua nhiệt. Bên cạnh cách phơi, muối.., cách chế biến qua nhiệt rất đa dạng qua dụng cụ nấu, như xào (xáo), hấp, đồ, bung, hầm, rán, kho hoặc các cách chế biến đồ ăn được làm chín trực tiếp với lửa như vùi, nướng…
Văn hóa ẩm thực còn được thể hiện đặc sắc nhất là trong các ngày lễ, Tết của đồng bào, với những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, như món khau nhục.
Khâu nhục Sơn Dương được làm từ thịt ba chỉ lợn, chế biến công phu với nhiều loại gia vị đặc trưng của vùng. Đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp quan trọng như lễ Tết hay đám cưới.
Thịt ba chỉ ngon được luộc chín, sau đó vớt ra để ráo. Người làm sẽ dùng que gỗ vót nhọn châm đều lên lớp bì, giúp nước bên trong thoát hết. Càng châm kỹ, miếng thịt khi hấp chín càng có độ nhăn đẹp mắt.
Tiếp theo, thịt được treo lên cho thật khô rồi phết mật ong lên cả hai mặt, đặc biệt là lớp bì. Khi dầu trong chảo đã nóng già, thịt được thả vào chiên ngập dầu đến khi vàng ươm. Cuối cùng, thịt được vớt ra, thái thành từng miếng đều nhau, dày khoảng 2 cm, sẵn sàng cho công đoạn chế biến tiếp theo.
Các miếng thịt được xếp vào từng bát lớn rồi đặt vào xửng hấp cách thủy trong khoảng 2 giờ. Để thịt nhanh chín và mềm hơn, cần luộc kỹ và châm bì thật đều. Khi gần đến bữa ăn, bát thịt được úp ngược, phần bì vàng óng hướng lên trên, tạo thành một khối tròn đẹp mắt.
Trong số các gia vị tạo nên hương vị đặc trưng của khâu nhục, mật ong là thành phần không thể thiếu, giúp thịt có màu sắc hấp dẫn. Mộc nhĩ và măng rừng góp phần tạo độ giòn và hương thơm đặc biệt. Bột húng lìu, thảo quả phải được sử dụng với liều lượng chính xác để tránh làm mất đi sự cân bằng hương vị.
![]() |
Khâu nhục Sơn Dương được coi là biểu tượng ẩm thực của người Sán Dìu tại Quảng Ninh. |
Mâm cơm dọn ra với đĩa cá suối rán cuộn lá lốt, chấm mắm ớt, đĩa rau bí xào và tô khau nhục thơm nghi ngút. Xắn một miếng thịt lên, phần mỡ giờ đã trong veo như thạch rau câu, đưa lên miệng, miếng thịt cứ thế tan ra trong một khoái cảm rất lạ lùng. Người sợ thịt mỡ nhất trên đời như tôi cũng có thể chén một lúc vài ba miếng.
Cơm trắng nóng hôi hổi, rưới thêm ít nước khau nhục dưới đáy bát, xúc thêm ít mộc nhĩ, măng rừng thơm phưng phức, trộn đều lên, hít hà căng lồng ngực rồi đưa lên miệng.
Không chỉ là một món ăn truyền thống, khâu nhục Sơn Dương còn được coi là biểu tượng ẩm thực của người Sán Dìu tại Quảng Ninh. Món ăn này không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn thường xuất hiện trong các bữa cơm gia đình và dịp lễ quan trọng. Hiện nay, thực khách có thể thưởng thức khâu nhục tại các nhà hàng, quán ăn đặc sản ở Sơn Dương cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.
Hơn cả một món ăn, khâu nhục Sơn Dương mang trong mình tinh hoa ẩm thực của người Sán Dìu, thể hiện sự khéo léo và sáng tạo trong chế biến. Nếu có dịp, bạn nhất định nên thử qua món đặc sản này để cảm nhận trọn vẹn hương vị độc đáo của ẩm thực Quảng Ninh.
![]() |
![]() |
![]() |