Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu những tấn khoai lang đầu tiên sang Trung Quốc. |
Đã cấp phép trên 1.000 ha khoai lang khắp cả nước
Ngày 5.4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau gần 1 tháng tiến hành kiểm tra trực tuyến, phía GACC đã gửi công hàm thông báo cấp phép cho 13 cơ sở đóng gói và 70 mã số vùng trồng khoai lang được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Theo ước tính, diện tích trồng khoai lang được GACC cấp phép trong đợt đầu tiên này lên tới trên 1.000 ha và phân bố ở khắp các địa phương trên cả nước, gồm: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Dự kiến, Vĩnh Long sẽ là địa phương tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng khoai lang đầu tiên của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng thông báo từ GACC rất có ý nghĩa với nông dân Việt Nam khi khoai lang sắp vào vụ thu hoạch. Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp với các địa phương trong công tác chuẩn bị cho container khoai lang đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc trong khoảng 1 tháng nữa.
Với sản lượng hàng năm khoảng 1,2-1,3 triệu tấn, khoai lang Việt Nam rất dồi dào trong việc chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. |
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật đã có chỉ đạo chi cục, trạm kiểm dịch thực vật ở địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát quy trình canh tác, đóng gói khoai lang tuân thủ các quy định Việt Nam đã cam kết trong nghị định thư ký với Trung Quốc.
"Ngành bảo vệ thực vật sẽ áp dụng mọi biện pháp, đảm bảo các lô khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiễm đối tượng sinh vật gây hại mà nước này yêu cầu. Các lô hàng phải có đầy đủ chứng thư kiểm dịch thực vật, đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm của phía Trung Quốc", ông Trung nói.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Việt Nam có khoảng 100.000ha trồng khoai lang, tổng sản lượng đạt 1,2 - 1,3 triệu tấn. Năng suất khoai lang cao nhất được ghi nhận ở khu vực ĐBSCL, lên tới 25 tấn/ha, cao gấp đôi so với khu vực miền Bắc, chỉ đạt 12 - 13 tấn/ha.
Tích cực phối hợp để đẩy mạnh xuất khẩu khoai lang
Cùng với 13 cơ sở đóng gói này, danh sách 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc đã được đăng tải đầy đủ trên website của Cục Kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại địa chỉ: http://dzs.customs.gov.cn.
Tổng cục Hải quan đề nghị phía Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện tốt công tác kiểm dịch trước xuất khẩu và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các yêu cầu của quy trình sản xuất, chế biến.
Trước đó, từ ngày 7/3 - 10/3/2023, được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Cục Bảo vệ thực vật và Đại sứ quán hai nước, đoàn chuyên gia Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra trực tuyến doanh nghiệp khoai lang để được phê duyệt xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thời gian tới, phía Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển thương mại khoai lang nói riêng và nông sản nói chung giữa hai nước.
Theo ước tính, diện tích trồng khoai lang được GACC cấp phép trong đợt đầu tiên này lên tới trên 1.000 ha. |
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc được công bố ngày 22/11/2022. Đây được xem là cơ hội cho người nông dân Việt Nam phát triển ngành hàng, gia tăng giá trị kinh tế cũng như chuyển dịch dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.
Bên cạnh các quy định về vùng trồng, giám sát quá trình chế biến, cơ sở đóng gói, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương... Nghị định thư yêu cầu phía sản xuất phải áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại trên khoai lang tím theo phụ lục.
Cục Bảo vệ thực vật cam kết, tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cơ quan chuyên môn tại địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như mở cửa thị trường hơn nữa cho sản phẩm khoai lang.
Tạo động lực nâng tầm giá trị khoai lang Việt
Rất nhiều diện tích khoai lang trong nước chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính. Việc Trung Quốc cấp phép xuất khẩu cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói Việt Nam có ý nghĩa đối với khoai lang Việt.
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đạt được thỏa thuận xuất khẩu khoai lang hay bất cứ nông sản nào ra nước ngoài, đó vừa là thời cơ vừa là thách thức cho những người làm nông nghiệp. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của ngành có giá trị giảm so với cùng kỳ năm trước, khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%, khoai lang có thể trở thành cứu cánh, giúp toàn ngành tăng tốc trở lại trong quý II tới đây.
Là cơ quan đầu mối về hướng dẫn thủ tục, kiểm dịch thực vật và đàm phán mở cửa thị trường nông sản, Cục BVTV đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ ngay sau khi nghị định thư được ký. Trước hết, Cục đã phối hợp GACC để cùng chuẩn bị một số điều kiện phục vụ cho công tác xuất khẩu, trong đó có nộp danh sách các hồ sơ về vùng trồng, cơ sở đóng gói khoai lang để phía bạn xem xét. Đồng thời, Cục đã họp bàn và lên kế hoạch kiểm tra trực tuyến với những đơn vị đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu sắp tới.
Ông Hoàng Trung cũng cho biết, để một ngành hàng phát triển bền vững, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất cùng phải thấy được trách nhiệm của mình. Với địa phương, rõ ràng thêm một mặt hàng xuất khẩu sẽ đòi hỏi phải bố trí thêm nguồn lực, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật khi cùng tham gia vào khâu kiểm tra, giám sát một cách liên tục.
Với doanh nghiệp, họ vừa phải hỗ trợ đối với các vùng trồng, HTX, người dân trong chuỗi, vừa đảm bảo hồ sơ, đăng ký đúng quy định của GACC. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp trong nước cần xây dựng, hình thành những mối liên kết bền vững cả trong nước lẫn quốc tế. Họ nên ký nhiều hơn những hợp đồng dài hạn, thậm chí hợp đồng lớn với đối tác để tạo nhu cầu lâu dài, giúp người sản xuất yên tâm canh tác.
Với người sản xuất, bao gồm cả lao động trực tiếp, vấn đề về đạo đức kinh doanh được đặt ra. Chúng ta không thể chỉ chuẩn hóa trên giấy mà cần cụ thể hóa bằng hành động thiết thực, chẳng hạn tách bạch giữa hàng hóa đã được đóng gói và hàng hóa mới được đưa về. Những việc làm dù nhỏ nhưng qua thời gian sẽ thay đổi đáng kể nhận thức của đại bộ phận người dân.
Việt Nam có khoảng 100.000ha trồng khoai lang, tổng sản lượng đạt 1,2 - 1,3 triệu tấn. |
Về phía Cục BVTV cũng đã chuẩn bị kỹ các phương án cho ngày đón container khoai lang đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Thứ nhất, Cục đã gửi văn bản thông báo tới các địa phương để họ chủ động thông tin cho chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Từ đó, những cơ sở này sẽ lập kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện theo yêu cầu của Trung Quốc để kịp thời xuất khẩu trong vòng một tháng nữa.
Thứ hai, Cục đã lập kế hoạch và cam kết sớm tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn về các điều kiện cụ thể cho mã số vùng trồng, cũng như một số yêu cầu kỹ thuật liên quan. Đối tượng tập huấn là chủ các mã số, cán bộ chuyên môn ở địa phương để tất cả cùng kiểm tra, giám sát, cùng chung tay để thực hiện đúng, đủ các yêu cầu kiểm dịch trước khi đưa hàng lên cửa khẩu.
Thứ ba, chúng tôi đã gửi văn bản truyền tải toàn bộ thông tin liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khoai lang cho các chi cục kiểm dịch thực vật vùng, các trạm kiểm dịch thực vật để kịp thời nắm bắt, kiểm tra, kiểm soát theo quy trình mà Việt Nam đã cam kết trong nghị định thư. Phải tìm mọi cách để bảo đảm các lô khoai lang tươi xuất sang Trung Quốc có đầy đủ chứng thư kiểm dịch thực vật, thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời đáp ứng về vệ sinh, an toàn thực phẩm như phía bạn yêu cầu. Trong đó, đặc biệt là không nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm.
Thứ tư, những hình thức tuyên truyền, phổ biến cho đối tượng liên quan sẽ được xây dựng sinh động, trực quan và có tính lan tỏa. Đây cũng định hướng giúp mọi chủ thể trong chuỗi ngành hàng khoai lang nâng cao tinh thần trách nhiệm như: doanh nghiệp xuất khẩu chỉ thu mua nguyên liệu từ những vùng đã được cấp mã số, hoặc quy cách đóng gói bao bì, in nhãn, mác, ghi thông tin phải chuẩn xác và truy xuất được nguồn gốc. Những hoạt động này sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý giảm thời gian kiểm dịch, tăng tốc độ thông quan tại cửa khẩu - một yếu tố vô cùng quan trọng khi xuất khẩu mặt hàng tươi.
Thứ năm, Cục BVTV tiếp tục đôn đốc địa phương là đi kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất theo đúng tình trạng thực tế. Sau đó, gửi danh sách để Cục tổng hợp nhu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cả nước, tạo cơ sở trước khi đàm phán với GACC.
Khoai lang là nông sản được trồng khắp cả nước với diện tích 100.000ha, tổng sản lượng đạt 1,2 - 1,3 triệu tấn/năm. Cây khoai lang có đặc thù là ngắn ngày thu hoạch trong thời gian ngắn bởi vậy yếu tố thị trường vô cũng quan trọng. Để nâng tầm giá trị khoai lang Việt việc đàm phán thành công để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là yếu tố then chốt, người trồng khoai lang sẽ yên tâm đầu ra./.