Anh Nguyễn Văn Tuấn đang kiểm tra đông trùng hạ thảo |
Đông trùng hạ thảo vốn nổi tiếng là một loại nấm dược liệu quý hiếm, chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng lớn đối với sức khỏe con người, được phát hiện và sinh trưởng chủ yếu ở vùng cao nguyên Tây Tạng. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều loại nấm đông trùng hạ thảo, song phần lớn đều không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, giá thành lại đắt đỏ. Trong khi đó, điều kiện, quy trình để làm ra sản phẩm này khá phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ.
Từng tốt nghiệp Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1985, thị trấn Nga Sơn, Thanh Hóa) luôn mơ ước sẽ khởi nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Một lần tham quan cơ sản xuất đông trùng hạ thảo tại địa phương khác, anh Tuấn nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này rất lớn. Trong khi đó, sản phẩm ngoài tự nhiên có giá đắt nên ít người có thể mua được.
Năm 2016, anh Tuấn bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm và lên mạng tìm tòi thông tin, cách thức nuôi loại nấm này. Đến năm 2017, anh quyết tâm thực hiện. Ban đầu, anh vay mượn để xây dựng phòng nuôi tiêu chuẩn, mua nồi hấp và các dụng cụ liên quan. Tuy nhiên, khởi đầu của anh Tuấn không mấy suôn sẻ khi hết thất bại này đến thất bại khác.
"Khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán năm 2018, tôi bị hỏng cả nghìn bình sản phẩm, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, lẻ tẻ trong những năm đầu, liên tục mất vài chục bình, có thời điểm cả trăm bình do nhân nuôi thất bại. Càng thất bại, tôi càng cố làm cho bằng được nhưng ngặt nỗi lúc đó vốn không có. Lần này, tôi lại vay mượn thêm 500 triệu đồng nữa để mua các máy móc cần thiết như máy lắc phôi, lắp thêm điều hòa và làm lại toàn bộ các phòng nuôi cấy", anh Tuấn kể lại.
Anh Tuấn nhận ra việc nuôi cấy phôi đông trùng hạ thảo trên nhộng tằm thất bại nhiều nhất do chưa tìm ra cơ chế cho con nhộng duy trì sự sống ở tình trạng "chết lâm sàng" trong 7 ngày.
Đông trùng hạ thảo chuẩn bị thu hoạch |
Đến năm 2019, anh Tuấn mở rộng phòng nuôi với quy mô sản xuất 30.000 bình đông trùng hạ thảo mỗi tháng. Cơ sở của anh còn sản xuất được nhiều loại đông trùng hạ thảo từ các loại phôi khác nhau. Cũng cuối năm đó, anh Tuấn thu được những thành công nhất định. Phòng nhân nuôi theo tiêu chuẩn của anh có quy mô sản xuất lên đến 30.000 bình, anh đang tiếp tục làm thêm một phòng khác nữa.
Anh Tuấn đang sở hữu 6 sản phẩm OCOP như: Đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo khô, rượu đông trùng hạ thảo, tổ yến trưng đông trùng hạ thảo, mật ong đông trùng hạ thảo.Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Tuấn có tên thương mại là “Đăng Khoa”, đưa ra và được thị trường tiếp nhận với giá rẻ hơn nhiều các sản phẩm nhập khẩu và một số nơi trong nước.
Hiện cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo của anh Tuấn cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Ngoài gian hàng trưng bày sản phẩm của gia đình, hiện anh có hơn 30 đại lý phân phối bán sản phẩm trên khắp cả nước. Cơ sở của Tuấn tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương, với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng.