Việc nuôi loại nấm quý đông trùng hạ thảo mất nhiều thời gian, với các quy trình đều phải thực hiện nghiêm ngặt. |
Bôn ba rồi trở về quê trồng nấm quý
Anh Nguyễn Thành Luân (30 tuổi) sinh ra ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Học hết lớp 12, anh Luân sang Đài Loan lao động với mong muốn tích lũy vốn. Sáu năm sau, anh trở về nước mang theo khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Chàng thanh niên ban đầu thử sức với một số nghề nhưng không hiệu quả. Năm 2018, anh Luân bắt đầu nghiên cứu về mô hình nuôi đông trùng hạ thảo. Sau thời gian tìm hiểu kỹ, anh quyết định đầu tư máy móc, xây dựng xưởng thiết bị.
Quyết định khởi nghiệp lần này của anh không được người thân ủng hộ. Thêm nữa, trong 2 năm nuôi thử nghiệm, anh nhiều lần thất bại và thiệt hại số tiền hơn 100 triệu đồng.
Song, anh Luân xem đó là "học phí" và vẫn quyết tâm thực hiện. Anh vừa làm, vừa tiếp tục học hỏi. Và rồi, mô hình kinh tế thanh niên nuôi trồng, chế biến nấm đông trùng hạ thảo mang tên Thiên Tâm đã được xây dựng trên mảnh đất hơn 200m2, tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn với chi phí gần 1 tỷ đồng.
Thời gian đầu, anh Luân không mở rộng sản xuất nhiều mà chỉ bán số lượng ít cho khách hàng theo hình thức vừa bán, vừa giới thiệu sản phẩm. Đến cuối năm 2020, anh xuất bán ra thị trường được hơn 600 lọ đông trùng hạ thảo tươi (mỗi lọ có trọng lượng 100g), thu về hơn 60 triệu đồng. Một năm sau, anh mới bán ra thị trường với số lượng lớn.
Anh Luân đã xây dựng được 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là đông trùng hạ thảo sấy và rượu đông trùng hạ thảo. |
Theo anh Luân, nguyên liệu để tạo ra đông trùng hạ thảo gồm gạo lứt, nhộng tằm, đậu nành và các chất dinh dưỡng vi sinh. Việc nuôi loại nấm này mất nhiều thời gian với các quy trình đều được thực hiện nghiêm ngặt.
Sau khi tạo giá thể và hấp tiệt trùng, nguyên liệu được đưa vào ủ tối 7-9 ngày rồi tiếp tục đưa ra phòng chiếu sáng và nuôi trồng. Mỗi đợt nuôi trồng sẽ thực hiện 2.000-3.000 phôi. Từ lúc tạo phôi cho đến lúc thu hoạch mất khoảng 75 ngày.
"Đây là một loại nấm rất khó nuôi trồng, đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu xem có hợp với nhiệt độ, thời tiết ở vùng này hay không. Bên cạnh đó, tôi cũng phải chú trọng quá trình tạo giống, bởi nấm đòi hỏi môi trường sinh trưởng sạch sẽ", anh Luân tiết lộ.
Khi thu hoạch, đông trùng hạ thảo được tách đế, sấy khô hoặc sấy lạnh, sau đó đóng gói thành sản phẩm xuất ra thị trường.
Nâng tầm nấm quý đạt tiêu chuẩn OCOP
Hiện chàng thanh niên đã xây dựng được 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là đông trùng hạ thảo sấy và rượu đông trùng hạ thảo, cho doanh thu mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng.
Sản phẩm của cơ sở của anh Luân tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Dương, TPHCM... Xưởng sản xuất nhiều thời điểm luôn trong tình trạng "cháy hàng", khách đặt sau phải đợi chờ.
Với việc khởi nghiệp thành công nêu trên, vừa qua, anh Nguyễn Thành Luân là một trong hai gương thanh niên của Hà Tĩnh vinh dự nhận giải thưởng của Trung ương Đoàn dành cho nhà nông dân trẻ tiêu biểu - Giải thưởng Lương Định Của năm 2022.
Thành công từ trồng nấm quý, anh Luân vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022 của Trung ương Đoàn. |
Bí thư Huyện đoàn Hương Sơn Nguyễn Văn Linh đánh giá, anh Nguyễn Thành Luân là một thanh niên chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi.
"Sau thời gian bôn ba nhiều nơi, anh Luân về quê lập nghiệp. Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, đầu tư công sức, anh mới đạt được thành công như hôm nay. Trong quá trình anh Luân thực hiện ý tưởng, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi, hỗ trợ vốn và nhờ các cơ quan chuyên môn làm quy trình, giúp sức ngay từ ban đầu. Giờ anh Luân đã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, mang lại thu nhập ổn định", Bí thư Huyện đoàn Hương Sơn nói.
Khởi nghiệp thành công với mô hình dược liệu quý đông trùng hạ thảo đã giúp anh Nguyễn Thành Luân có sự nghiệp vững vàng. Sản phẩm nấm quý được chế biến đa dạng phục vụ nhu cầu thị trường và hiện nay đã đạt tiêu chuẩn OCOP nên càng nâng cao giá trị, tạo doanh thu 2 tỷ đồng/năm./.