Mít ngoại ruột đỏ đang gây sốt tại Tiền Giang với giá 100 nghìn đồng/kg. |
Mít ngoại cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha
Thời gian gần đây, nhiều loại cây ăn quả ở tỉnh Tiền Giang tiếp tục tăng giá. Cá biệt trái sầu riêng và mít là 2 loại trái cây giá cao nhất, dẫn đầu trong 11 loại trái cây đặc sản của địa phương. Trái mít giống Indo từ vài chục nghìn đồng/kg, nay tăng đến khoảng 100.000 đồng/kg.
Trái sầu riêng giống Đô Na (loại 1) hiện ở mức giá trên 130.000 đồng/kg, các loại giống khác giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Đối với trái mít thương phẩm (loại 1) ngày 5/3 thương lái thu mua với giá trên 45.000 đồng/kg. Cá biệt giống mít Indo (ruột đỏ) loại 1 giá khoảng 100.000 đồng/kg. Đối với mít, đây là mức giá cao nhất trong năm qua, nhà vườn có lãi rất lớn do cây mít cho trái quanh năm và năng suất cao.
Nhà vườn phấn khởi vì mít ruột đỏ Indo được mùa bán với giá cao. |
Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 80.000 ha vườn cây ăn trái; trong đó diện tích cây sầu riêng dẫn đầu (gần 18.000ha), cây mít hơn 10.000 ha. Tuy 2 loại trái cây này mỗi năm giúp nhà vườn thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha nhưng chính quyền và các ngành chức năng địa phương tuyên truyền, cảnh báo nông dân không phát triển vườn cây ồ ạt, nhất là trồng ngoài vùng quy hoạch, có nguy cơ dẫn đến “cung vượt cầu”.
Xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy) là địa phương có diện tích vườn cây ăn quả chuyên canh lớn ở tỉnh Tiền Giang. Theo ông Dương Trần Trọng Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mít lúc này giá cao, nhất là mít lá bầu giống Indo loại 2 giá 90.000 đồng/kg, loại 1 là 100.000 đồng/kg (tại vựa). Giá đó chạm ngưỡng với giá trái sầu riêng rồi. Bây giờ mình chưa dám khuyến khích, hướng người dân trồng theo quy hoạch, chứ trồng đại trà sợ “cung vượt cầu”. Mít thấy giá ổn, dễ trồng, mau thu hoạch, bà con hiện rất phấn khởi”.
Mít ruột đỏ Indo gây sốt vì đẹp mắt lại thơm ngon. |
Giống mít mới gây sốt thị trường được trồng thế nào?
Mít ruột đỏ Indonesia được đa số người dân ở ĐBSCL cho rằng là loại cây dễ trồng, có thời gian sinh trưởng và cho trái tương tự như cây mít Thái nhưng ít bệnh hơn mít Thái.
Giống mít ruột đỏ có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thích hợp trồng vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 (đầu mùa mưa) vì vào thời điểm này lượng mưa dồi dào nên cây sinh trưởng tốt hơn.
Kỹ thuật trồng cây mít ruột đỏ bằng nhiều cách như gieo hạt, trồng bầu cây hay chiết và giâm cành. Tuy nhiên phương pháp trồng bằng bầu cây được nhiều người lựa chọn.
Nhiều nhà vườn tại Tiền Giang đang tích cực mở rộng diện tích trồng mít ruột đỏ. |
Trước khi trồng phải đào hố, bón lót. Khi đào hố thì đào hố rộng 0,8 – 1m; bón lót 25 – 35kg phân chuồng hoai mục; 300 – 500g lân và 1kg vôi bột. Đất tốt thì đào hố rộng 0,7 – 0,8m; sâu 0,6 – 0,7m; bón lót 20 – 25kg phân chuồng hoai mục; 200 – 300g lân và 0,5kg vôi bột. Để ý, phải trộn đều phân các loại cùng đất lấp đầy miệng hố trước khi trồng 7 ngày.
Dùng cuốc moi đất giữa hố, bóc vỏ bầu, đặt cây thẳng đứng bằng mặt hố, lấp đất đầy và nén chặt xung quanh. Chú ý không được làm vỡ bầu làm đứt rễ sẽ khiến cây héo ngay vài ngày khi trồng. Để giúp cây đứng vững cần cắm hai cọc chéo buộc giữa cây rồi dùng rơm rạ, cỏ khô phủ gốc và tưới đẫm nước.
Cách chăm sóc mít ruột đỏ không quá cầu kỳ và mất thời gian do đây là cây lâu năm. Nhưng những tháng đầu tiên khi trồng cần đảm bảo đủ nước tưới, làm sạch cỏ.
Việc bón phân cực kỳ quan trọng sẽ giúp cây đủ dinh dưỡng nuôi cây và quả lâu dài. Do đó, khi trồng mít ruột đỏ được khoảng 1 năm cần bón phân 1 lần lần bằng nước phân chuồng hoai. Khi cây được khoảng 2 – 3 năm tuổi tiếp tục bón 30 – 50 kg phân chuồng hoai; 0,5 – 1kg lân; 0 , 3 – 0 5kg kali. Cho tới khi cây từ 4 năm tuổi trở lên bón tăng lượng phân.
Giống mít ruột đỏ Indo được đa số người dân ở ĐBSCL cho rằng là loại cây dễ trồng. |
Trồng cây mít ruột đỏ cũng cần phải tỉa các cành tăm, cành sâu bệnh giúp cây thông thoáng. Ngoài ra việc tỉa bới quả xấu, quả sâu bệnh, quả nhỏ và cả những quả bình thường cho mật độ quả phù hợp với từng cây.
Trồng mít ruột đỏ ngoài các loại rệp sáp, rầy mền, ruồi đục quả, sâu đục thân, ở mít có sâu đục quả, ấu trùng đục lỗ tiếp giáp giữa quả với nhau. Để phòng trừ sâu bệnh cần phun các loại thuốc như trêbon, shespa 25EC…
Giống mít ngoại ruột đỏ từ lúc ra hoa đến lúc cho thu hoạch khoảng 5 tháng. Căn cứ vào màu sắc và hình dạng của quả để quyết định thời điểm thu hái. Mít ruột đỏ khi chín vỏ sẽ chuyển sang màu hơi vàng sáng. Các gai mít sẽ nở căng lên vỗ có tiếng kêu bồm bộp. Thu hái mít vào thời tiết không mưa và bảo quản nơi thoáng mát sẽ giúp mít để được lâu./.