Giá khoai lang tăng gấp đôi, người trồng khoai lãi đậm |
Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) là địa phương có diện tích khoai lang lớn nhất ĐBSCL, với hơn 10.000 ha, sản lượng trung bình trên 300.000 tấn/năm. Nhiều nông dân ở huyện Bình Tân cho biết, từ khi có thông tin khoai lang được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá mặt hàng này liên tục tăng.
Ngoài Vĩnh Long, Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn với khoảng 10.000 ha; sản lượng trung bình hàng năm nay ước đạt gần 300.000 tấn.
Trước đó, ngày 19/4, tại Vĩnh Long, lô khoai lang (28 tấn) đầu tiên đã được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện bà con nông dân trồng khoai ở những địa phương này đang rất phấn khởi vì trúng mùa được giá. Chính vì vậy, diện tích trồng khoai đang được mở rộng.
Giá khoai lang đang tăng kỷ lục, dự tính giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức giá 15.000 – 20.000 đồng/kg giúp người trồng khoai lang lãi đậm.
Nhiều năm gắn với trồng khoai lang Nhật Bản, chị Lương ở Gia Lai, cho biết, sản lượng vụ này không như kỳ vọng nhưng mỗi ha vẫn thu khoảng 20 tấn củ. Nhưng nhờ giá khoai lang lên cao kỷ lục, sau khi trừ chi phí 120 – 170 triệu đồng/ha, năm nay chị lãi gần 400 triệu đồng.
Trong khi đó, Anh Hòa (ngụ Kon Tum), cho hay, mùa vụ năm nay, anh có khoảng 3 ha khoai lang. Tuần trước, một ha khoai lang lệ cần của anh cho thu hoạch 12 tấn củ. Với giá bán 18.000 đồng một kg cho hàng loại 1 và 13.000 đồng loại 2, anh thu được 170 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Hòa lãi 100 triệu đồng một ha.
Chị Thanh Mai – thương lái chuyên thu mua khoai tại các tỉnh Tây Nguyên, cho biết, năm ngoái, giá khoai lang khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg. Người dân đa phần bị lỗ hoặc có lời thấp. Năm nay, giá tăng cao gấp đôi nên nhiều người lãi cao. Các hộ trồng khoai lệ cần, sau khi trừ chi phí canh tác và thuê đất, mỗi hộ lãi 80 – 100 triệu đồng. Còn với khoai Nhật, mức lãi khoảng 100 – 200 triệu/ha.
Cũng theo chị Mai, không chỉ Gia Lai, Kon Tum, hầu hết người trồng ở khu vực Tây Nguyên đều bán được giá cao từ 14.000 – 20.000 đồng/kg. So với năm ngoái, khoai năm nay chất lượng hơn nhưng sản lượng bán ra thị trường giảm do năng suất thấp hơn mọi năm.
Nhiều thương lái cho hay, giá khoai lang lên cao do nhu cầu tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung giảm, nông dân không trồng ồ ạt như trước đây. Đặc biệt, vào mùa mưa, lượng khoai thu hoạch thường giảm 30 – 40% so với mùa khô.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mở cửa thị trường Trung Quốc đã tạo thuận lợi trong việc xuất khẩu thuận khoai lang. Thời gian trước, việc xuất khẩu khó khăn khiến giá khoai thấp làm cho diện tích trồng bị thu hẹp đáng kể. Khoảng hơn một tháng qua, xuất khẩu thuận lợi và nguồn cung hạn chế nên nhiều doanh nghiệp chế biến khoai lang gặp khó khăn về nguyên liệu. Tuy nhiên, khoai lang là cây ngắn ngày nên khả năng tăng diện tích và sản lượng để phục vụ nhu cầu thị trường sẽ sớm được đáp ứng. Bên cạnh đó để phát triển ổn định ngành khoai lang, người nông dân và các doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói.
Hơn 80 cơ sở đóng gói và vùng trồng khoai lang Việt Nam đạt yêu cầu, được phép xuất khẩu sang Trung Quốc |
Đầu tháng 4 năm 2023, Trung Quốc đã công bố danh sách hơn 80 cơ sở đóng gói và vùng trồng khoai lang Việt Nam đạt yêu cầu, được phép xuất khẩu sang thị trường này.
Cụ thể, theo Công hàm thông báo về kết quả kiểm tra doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc của Tổng cục Hải quan (GACC) nước này, trong đợt kiểm tra trực tuyến đối với 23 cơ sở đóng gói khoai lang Việt Nam vừa qua, cơ quan chức năng Trung Quốc đánh giá có 13 cơ sở đạt yêu cầu.
Trung Quốc cũng xác nhận có 70 cơ sở vùng trồng khoai lang của Việt Nam đạt yêu cầu theo quy định của Nghị định thư. Danh sách 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang của Việt Nam đạt yêu cầu đã được cập nhật trên website của Vụ Kiểm dịch động thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trong số 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, tỉnh Vĩnh Long có nhiều mã số vùng trồng nhất với 27 mã; tiếp đó là Đồng Tháp 22 mã số vùng trồng; Gia Lai có 18 mã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; Quảng Ninh, Thanh Hóa, Long An mỗi tỉnh 1 mã vùng trồng.
Hiện nay diện tích trồng khoai lang trên cả nước khoảng 100.000 ha, với tổng sản lượng từ 1,2-1,3 triệu tấn. Với việc mở cửa thị trường thành công cho khoai lang sang Trung Quốc, cùng với những quy định nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, đóng gói, các vùng sản xuất phải chuẩn hóa đúng quy trình theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, loại nông sản này có nhiều triển vọng gia tăng xuất khẩu.