Cây chanh dây lộ rõ những bất ổn người dân lo lắng khi giá giảm liên tục. |
Hậu làn sóng ồ ạt trồng chanh dây và những hệ lụy
Cách đây hai năm, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng chanh dây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ồ ạt mở rộng diện tích trồng loại cây này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá chanh dây tụt giảm mạnh, chỉ còn ở mức 1.200 - 2.000 đồng/kg khiến người dân đứng ngồi không yên.
Gia đình anh Tôn Văn Giang (thôn 1A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) trồng được 300 gốc chanh dây. Anh đã tận dụng các trụ tiêu và hệ thống tưới cho cây đã có sẵn trong vườn nên chỉ phải mua thêm dây kẽm để làm giàn; cùng với giống, phân bón, chi phí ban đầu bỏ ra gần 15 triệu đồng. Anh Giang cho biết, hiện tại thương lái chỉ mua chanh dây với giá 1.500 đồng/kg nên thu không đủ bù vào chi phí phân bón, công chăm sóc.
Năm 2022 gia đình chị Lê Thanh Hà (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đã thuê 5 sào đất với giá 40 triệu đồng/năm để trồng 550 gốc chanh dây. Cùng với chi phí cây giống, phân bón... gia đình chị Hà đã đầu tư hết 70 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. Gia đình chị dự kiến năm nay, phần diện tích trồng chanh dây sẽ cho sản lượng đến 10 tấn quả. Thế nhưng khi bước vào thu hoạch, giá chanh dây giảm sâu khiến gia đình chị thiệt hại nặng nề. "Không chỉ giá bán giảm mạnh, đợt mưa kéo dài vừa rồi đã khiến vườn chanh dây của gia đình tôi bị sập gần một nửa giàn, quả rụng nhiều, chất lượng quả kém, thương lái sẽ không mua hoặc ép giá rất thấp", chị Hà lo âu.
Chanh dây giảm giá và chất lượng quả cũng kém nên khó bán. |
Theo ông Hoàng Tuấn (chủ cơ sở Tuấn Hà, thôn 9, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng), người chuyên thu mua chanh dây từ nhiều năm qua, chưa khi nào giá chanh dây lại xuống thấp như hiện nay. “Lượng cung cấp chanh dây quá nhiều so với nhu cầu, các nhà máy đã bị quá tải khiến sản lượng bị dư thừa. Các nhà máy chỉ làm việc với đơn vị thu mua chanh dây lớn, khó tiếp cận với từng hộ dân, dẫn đến việc giá chanh dây xuống thấp là không thể tránh khỏi”, ông Tuấn phân tích.
Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay người dân đang trồng và chăm sóc chanh dây theo hướng tự phát, chưa nắm vững kiến thức cũng như kỹ thuật chăm sóc. Đối với việc trồng chanh dây, các yếu tố như ánh sáng, độ ẩm và phân bón cần được điều chỉnh một cách cẩn thận để đảm bảo sự phát triển tốt của cây. Do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên nhiều diện tích chanh dây của người dân bị cứng trái, xoăn lá, bã trầu, đốm nâu, vi rút phấn trắng... khiến chất lượng quả ngày càng kém, kéo theo giá cả giảm sâu.
Mặc dù diện tích trồng chanh dây những năm gần đây đã tăng lên (hiện toàn tỉnh có trên 2.130 ha, sản lượng 21.150 tấn), nhưng đang có sự phân tán mạnh mẽ vùng sản xuất. Hầu hết các khu vực trồng chanh dây vẫn ở quy mô nhỏ, chưa hình thành được những cụm sản xuất quy mô lớn theo hướng chuỗi cung ứng bền vững. Sự thiếu kết nối giữa quy trình sản xuất và thị trường cũng tạo ra sự không ổn định trong ngành hàng này.
Khoảng cách từ vườn trồng chanh dây đến thị trường còn xa
Đắk Lắk có hơn 2.100ha chanh dây. Đa phần diện tích chanh dây tại đây cũng như vùng Tây Nguyên vẫn ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy mô lớn và tạo thành chuỗi sản xuất bền vững. Theo ngành chức năng, tuy Tây Nguyên có nhiều vùng thích hợp để phát triển chanh dây nhưng người nông dân không nên trồng ồ ạt mà phải lựa chọn giống phù hợp, chú trọng quy trình chăm sóc, liên kết và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng trạm khuyến nông huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ: "Để sản xuất bất kỳ loại cây trồng nào hiệu quả, bà con phải chú trọng kỹ thuật từ chăm sóc, thu hái để chanh leo có sản lượng, hiệu quả cao nhất.
Thực tế, khó biết được khi nào giá chanh dây lên hoặc xuống, tùy thuộc vào tình hình sản xuất, sản lượng cung ứng cũng như nhu cầu thị trường... Muốn phát triển chanh dây trước hết phải có đất phù hợp để canh tác".
Đa phần diện tích chanh dây tại vùng Tây Nguyên vẫn ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún. |
Một lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai (Doveco Gia Lai) thông tin: "Hiện tại, chúng tôi đang thu mua với giá 8.000-10.000 đồng/kg đối với loại chanh chiết dịch. Do nhu cầu nguyên liệu lớn, nhà máy chỉ làm việc với một số đơn vị thu mua lớn, khó tiếp cận đến từng hộ nông dân nhỏ lẻ".
Theo lãnh đạo doanh nghiệp chế biến này, nguyên nhân giá chanh dây xuống thấp là do thời gian qua chanh vào vụ, số lượng thu hái lớn. Loại nông sản này cũng phải qua nhiều khâu trung gian nên bị ép giá…
Hiện nay, doanh nghiệp đang bung ra loại giống định hướng, liên kết với hộ dân ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh để trồng, đảm bảo bao tiêu để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, bảo đảm quyền lợi cho nông dân.
Dư địa phát triển chanh dây còn rất lớn, nhất là những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu chanh dây của nhiều nước trên thế giới tăng mạnh. Cụ thể, chanh dây nằm trong nhóm 10 loại cây ăn quả của Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021.
Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh dây Việt Nam tăng hơn 300%. Hiện sản lượng xuất khẩu chanh dây của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.
Ngoài chanh dây dạng dịch múc đông lạnh, dư địa về xuất khẩu tươi nguyên quả cũng còn khá lớn. Tuy nhiên, để xuất khẩu được chanh dây quả tươi là điều không dễ.
Các nhà vườn, cơ sở đóng gói chanh dây phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều yêu cầu của phía đối tác. Tuy nhiên, với các thị trường đem lại giá trị xuất khẩu cao như EU, Nhật Bản..., quả chanh dây tươi phải được trồng theo quy trình GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn MRL (giới hạn dư lượng tối đa). Thực tế diện tích chanh dây đạt chứng nhận GlobalGAP trên quy mô cả nước còn rất ít.
Thị trường xuất khẩu chanh dây còn nhiều dư địa, tuy nhiên lại đòi hỏi những tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Lâu nay người trồng chanh dây ở các địa phương mới chỉ quan tâm tới mở rộng diện tích mà chưa nắm bắt hết các quy định về chất lượng xuất khẩu, việc liên kết với doanh nghiệp cũng thiếu bền vững. Bởi vậy, khi dội chợ trái chanh dây mới lộ rõ những bất cập./.